Tào Tháo: 'Tôi không nghe ông xui dại đâu'
Trong khoảng 10 năm, từ năm 190 sau công nguyên đến năm 200 sau công nguyên, chỉ Tào Tháo mới thực sự là anh hùng thời loạn. Các vị tai to mặt lớn và các chư hầu khác, quá lắm cũng chỉ là chính khách vang bóng một thời.
Đổng Trác: Có mưu sâu kế hiểm...
Tại sao những nhân vật khác, thậm chí, kiêu hùng như Đổng Trác, Viên Thiệu, Viên Thuật cũng chỉ là nhân vật trong một giai đoạn ngắn, còn Tháo thì không?
Vì họ đều phạm sai lầm về một vấn đề chính trị cực kỳ quan trọng. Đó là thái độ đối với hoàng đế nhà Hán. Thời ấy, hoàng đế tượng trưng cho đất nước thống nhất. Thái độ đối với đương kim hoàng đế là thước đo, là hòn đá thử vàng kẻ bề tôi là trung hay gian, thiện hay ác. Phạm sai lầm này là đi tong.
Trước tiên nói về Đổng Trác.
Đổng Trác đối xử với hoàng đế rất ngạo ngược. Cách làm của ông ta là bỏ vua này lập vua khác. Về kinh chưa lâu, ông ta đã đòi thay vua.
Theo lời ông ta thì đương kim hoàng đế Lưu Biện nhu nhược, dốt nát; Trần Lưu Vương Lưu Hiệp có đủ tố chất của bậc vua chúa (nghiêu đồ chi biểu). Cũng không phải hoàn toàn vô lý.
Theo . Đổng Trác truyện. Bùi Tùng Chi chú, dẫn Điển lược, Hiến đế kỷ, khi Đổng Trác vào kinh, tình hình Lạc Dương cực kỳ rối loạn. Đại tướng quân Hà Tiến bị hoạn quan giết, Thiếu đế Lưu Biện 14 tuổi cùng em trai Trần Lưu Vương Lưu Hiệp 9 tuổi lưu lạc trong dân, khốn khổ trăm bề mới trở về kinh thành. Đổng Trác đem quân ra đón xa giá nhà vua, Thiếu đế Lưu Biện khóc khóc mếu mếu, không nói nổi nửa câu. Trần Lưu Vương Lưu Hiệp thì nói năng trôi chảy đâu ra đấy. Ngay lúc đó, Đổng Trác đã nghĩ tới chuyện thay vua.
Nhưng chuyện trên chưa phải lí do đích thực. Đổng Trác cũng như các quyền thần khác, muốn biến nhà vua thành con rối để mình nắm hết quyền hành, tiếp đó mới cướp ngôi vua. Là con rối thì việc gì phải thay? Ngu si dốt nát càng tốt chứ sao! Nhưng Đổng Trác là loại ngỗ ngược, hay dở tốt xấu đều làm theo ý mình, cứ thay. Cũng có thể ông ta muốn ra oai để khống chế triều đình.
Đổng Trác là một quân phiệt vùng Tây Bắc, thô bạo dã man, uống máu người không tanh, không bạn bè trong triều và chẳng có uy tín gì. Mặc dù đã ra sức mua chuộc đám sĩ đại phu, nhưng họ vẫn khinh rẻ ông ta. Đổng Trác thô bạo nhưng lại rất gian giảo. Theo Tam quốc chí. Đổng Trác truyện. Bùi Tùng Chi chú, dẫn Cửu châu xuân thu: Khi đem quân về Lạc Dương, Đổng Trác thực ra chỉ có 3.000 lính. Sợ không đủ oai, cứ tối đến sai lính mặc thường phục lẻn ra ngoài thành, hôm sau lại vẫn 3.000 quân đó mặc áo lính, trống dong cờ mở tiến vào. Liền bốn năm ngày như thế, mọi người cư tưởng Trác có thiên binh vạn mã.
... nhưng lại chết vì hồ đồ
Thắng lợi quá nhanh, Đổng Trác sướng rơn. Ông ta không những khống chế được triều đình văn võ, mà còn phát hiện một điều bất ngờ. Đó là đối phó với đám quan lại trong triều thực ra không khó. Vậy là ông ta quyết định làm một việc động trời nhưng hồ đồ để xác lập uy tín và địa vị của ông ta. Đó là thay vua. Đổng Trác nghĩ rất đơn giản: Các người đều sợ vua, tuân lệnh vua. Ta thì ngay cả vua cũng chẳng coi ra gì, vậy kẻ nào dám chống lại ta? Hơn nữa, phế truất Thiếu đế Lưu Biện, có nghĩa phế truất luôn Hà Thái hậu. Lập Trần Lưu Vương Lưu Hiệp thì mẹ đẻ Lưu Hiệp là Vương mỹ nhân đã bị Hà Thái hậu đầu độc chết. Như vậy không có người ngồi phía sau buông rèm tham chính, vừa xóa bỏ trở ngại, vừa toàn quyền quyết định mọi viêc lớn nhỏ, tiện cả đôi đường.
Nhưng Đổng Trác không ngờ việc phế lập vua khiến ông ta trở thành “kẻ thù chung của nhân dân”. Vì rằng, trong con mắt các sĩ đại phu, tức các vị “chính nhân quân tử” đương thời, vua là không được thay đổi tùy tiện. Hơn nữa, người thay thế vẫn họ Lưu thì lại càng không nên. Ta biết rằng, thời ấy nhân dân không có quyền phát ngôn, nắm dư luận là các sĩ đại phu. Vậy là bảo vệ trật tự hiện hành, bảo vệ đương kim hoàng đế, không những là “chính nghĩa”, mà còn là “ý dân”.
Do vậy, thay vua là công việcnguy hiểm, rất dễ tự chuốc lấy tai họa.
Thay vua: Chết không toàn thây
Thay vua, trước đó đã có người làm đối với Hán Linh đế. Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ, năm Quang Hòa thứ bảy đời Linh đế (184 sau Công nguyên), Thứ sử Ký châu Vương Phần câu kết với bọn cường hào mưu toan phế truất Linh đế, lập Hợp Phì hầu lên làm vua. Hợp Phì hầu là ai? Có thể vẫn thuộc tôn thất nhà Hán. Can dự vào việc nàycó Hứa Du, chính là người sau này bỏ Viên Thiệu chạy sang với Tào Tháo, về sau bị Tháo giết như ta đã biết.
Ảnh minh họa.
Chuyện hạ bệ Hán Linh đế, Hứa Du có bàn với Tào Tháo, vì hai người vốn thân nhau. Nhưng Tào Tháo gạt thẳng thừng. Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ. Bùi Trùng Chi chú, dẫn Ngụy thư, Tháo nói rằng, phế lập là chuyện dở nhất trong thiên hạ (phế lập chi sự, thiên hạ chi chí bất tường dã), nghĩa là vô cùng nguy hiểm. Việc này trước kia đã có người từng làm, như Y Doãn đối với Thái Giáp, Hoắc Quang phế Xương Ấp, nhưng đó là sự thay đổi quyền hành, có cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định. Nếu manh động như hồi “loạn 7 nước” (thất quốc chi loạn) thì thất bại là cái chắc. Các vị thử nghĩ, lực lượng chính trị quân sự của các vị có bằng 7 nước đó không? Uy tín danh vọng của Hợp Phì hầu có bằng Ngô vương Lưu Tị, Sở vương Lưu Nhung không? Không bằng. Vậy thì đừng theo vết xe đổ đó, kẻo rước họa vào thân.
Tào Tháo không rao giảng đạo lý, mà phân tích lợi hại cho cánh Hứa Du hiểu. Tiếc rằng cánh Hứa Du không nghe, cứ làm theo ý mình. Hậu quả là âm mưu bại lộ, Hứa Du bỏ trốn, Vương Phần sợ quá thắt cổ chết. Thế mới biết thay vua là chuyện khó. Đương nhiên Đổng Trác không phải Vương Phần, tình hình và điều kiện cũng khác. Ông ta đề xuất chuyện thay vua là thay luôn. Nhưng ông ta đã phải trả giá cho hành động bạo nghịch của mình: Chết không toàn thây dưới tay Vương Doãn và Lã Bố. Nhưng đó là chuyện về sau.
Viên Thiệu cũng sa vào vết xe đổ của Đổng Trác
Tiếc rằng không ai rút ra bài học Vương Phần. Nhưng chuyện Đổng Trác thì có người sao chép. Người đó là Viên Thiệu.
Viên Thiệu cũng muốn thay vua, nhưng biện pháp thay không giống Đổng Trác. Đổng Trác là “phế lập”, còn Viên Thiệu là không phế đương kim hoàng đế, mà lập một vua khác.
Sau khi trở thành minh chủ Quan Đông, tham vọng của Viên Thiệu lớn lên cùng với quyền lực. Nhưng ông ta nhát như thỏ đế, không dám đem quân vào Trường An đánh đuổi Đổng Trác, khôi phục nhà Hán, mà mưu toan đưa U Châu Mục Lưu Ngu lên làm vua.
Theo Hậu Hán thư. Lưu Ngu truyện, lí do mà Viên Thiệu nêu ra là, nhà vua còn nhỏ (khi đó Hán Hiến đế mới 10 tuổi), lại bị Đổng Trác khống chế, xa xôi cách trở, không biết sống chết ra sao (triều đình ấu xung, bức vu Đổng Trác, viễn cách quan tái, bất tri tồn phủ). Theo lời Viên Thiệu, nếu Hiến đế còn sống thì cũng coi như đã chết. Đất nước không thể một ngày không có vua. Lưu Ngu là người đứng đầu tôn thất, nên rước ông ta lên ngôi hoàng đế.
Ý đồ của Viên Thiệu đã rõ. Ông ta chủ trương thành lập một triều đình lưu vongbên ngoài Lạc Dương và Trường An (vì Lạc Dương do Đổng Trác chiếm giữ, Trường An là nơi thiên tử ở). Theo qui định, cầm đầu triều đình là đại tướng quân, vậy khi thành lập triều đình lưu vong, chức vụ ấy mặc nhiên rơi vào tay ông ta. Rồi ra, triều đình lưu vong thay thế triều đình trung ương, ông ta trở thành phục quốc danh thần, tiếng thơm muôn thuở. Viên Thiệu nhiều khi cũng tinh vi lắm.
Ảnh minh họa.
Thực ra, lập vua mới là công việc khả thi. Thành lập triều đình lưu vong là một thủ đoạn đấu tranh chính trị trong hoàn cảnh đặc biệt, nhưng với điều kiện triều đình cũ đã tiêu vong hoặc đã bị lật đổ. Nhưng tình hình khi đó không như vậy. Chí ít, Lưu Hiệp trên danh nghĩa vẫn là thiên tử nhà Hán, Đổng Trác trên danh nghĩa vẫn là thần tử nhà Hán, vương triều Hán chưa tuyên bố cáo chung.
Do vậy, thành lập triều đình lưu vong có nghĩa là thành lập một triều đình khác. Đó là đại nghịch vô đạo. Do vậy, Lưu Ngu kiên quyết không nghe. Lưu Ngu quá sáng suốt. Ông ta biết rằng, nếu lên ngôi, ông ta lập tức trở thành mục tiêu của búa rìu dư luận. Do vậy, khi tiếp đoàn sứ giả của Viên Thiệu do Trương Kỳ cầm đầu, ông ta lên án gay gắt lũ Viên Thiệu về tội bất trung (tận tâm vương thất) mưu toan lật đổ (phản tạo nghịch mưu) nhà Hán. Viên Thiệu cụt hứng.
Tào Tháo ghi Viên Thiệu vào sổ đen
Cũng có người tán thành. Đó là Hàn Phức. Thiệu đã bàn với Hàn Phức, Tào Tháo về chuyện lập vua mới. Hàn Phức gà mờ, đồng ý luôn, lại còn hăng hái xung phong làm con tốt hỉn. Nhưng Hàn Phức không kiếm chác được gì trong chuyện này. Nhà vua chưa bị hạ bệ, ông ta đã bị Viên Thiệu dùng thủ đoạn hăm dọa, cướp mất Ký Châu. Đó là vào tháng 7 năm Sơ Bình thứ hai đời Hán Hiến đế (190 sau Công nguyên). Mất Ký Châu, Hàn Phức bị khủng hoảng tâm thần, tự sát trong nhà xí.
Tào Tháo không ngu. Ông ta cho rằng Viên Thiệu chẳng nên cơm cháo gì. Ông phản đối chia rẽ. Ông chủ trương diệt Đổng Trác, rước vua về Lạc Dương, khôi phục đất nước thống nhất chứ không phải lập một triều đình khác. Viên Thiệu bỏ qua ý kiến của Tào Tháo, nghĩ Tháo vẫn trẻ con như ngày nào cùng nhau đi cướp cô dâu.
Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ, Bùi Tùng Chi dẫn Ngụy thư, khi thuyết phục Tào Tháo, Viên Thiệu còn cho Tháo xem ngọc tỉ (có lẽ do Viên Thiệu tự chế) ý nói thiên mệnh đã trong tay Thiệu. Tào Tháo trong bụng cười thầm, cướp nước mà như cướp cô dâu! Có điều, Thiệu coi Tháo là cánh hẩu, thì cũng nên lịch sự đôi chút. Vậy là Tháo vừa cười vừa nói: “Tôi không nghe ông xui dại đâu”. Không nói ra miệng, nhưng kể từ hôm ấy, Tháo coi Viên Thiệu là gian tặc, kẻ thoán nghịch vô liêm sỉ và ghi Thiệu vào sổ đen (cái bất trực Thiệu, đồ tru diệt chi).