Tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực

Chiều nay - 16/1, phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận đề nghị bổ sung thêm quy định để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu tại hội trường chiều 16/1.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu tại hội trường chiều 16/1.

>> Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Duy thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do Chính phủ trình Quốc hội, đại biểu cho rằng việc ban hành nghị quyết sẽ cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm quy định tại Khoản 1, Điều 4, đại biểu Luận thống nhất với quy định HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

Theo đại biểu, thực tế việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành, do đó không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: "Cho phép HĐND tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới” để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của dịa phương” - đại biểu nêu ý kiến.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu cho biết lựa chọn phương án "Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất”.

Đại biểu cho rằng phương án này sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhất là tại cấp cơ sở, thuận lợi hơn trong công tác theo dõi, giám sát đối với các tài sản này. Vì theo quy định thì tài sản hình thành từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được hỗ trợ từ cả nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn tự có của chủ dự án (chủ trì liên kết, cộng đồng người dân).

Tuy nhiên, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chỉ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước; không quy định về việc xử lý tài sản của dự án hỗn hợp trong đó có một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án. Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phần lớn là các dự án hỗ trợ mua sắm cây con giống, ít hình thành tài sản cố định nên việc xác định, theo dõi, kiểm kê tài sản hình thành sau thực hiện dự án là rất khó khăn.

Trong phát biểu thảo luận, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận cũng nêu ý kiến về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đại biểu đề nghị trong Nghị quyết cần quy định thêm: "Trên cơ sở kết quả phân cấp, HĐND cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn”.

Minh Quang - Hoàng Sâm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/317155/tao-tinh-linh-hoat-chu-dong-cho-cac-dia-phuong-tr111ng-can-doi-su-dung-nguon-luc-.aspx