Tạo việc làm cho lao động nông thôn

Những năm qua, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp đã thực hiện nhiều giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, phối hợp với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giới thiệu việc làm, giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Cơ sở sản xuất ván gỗ ép của gia đình anh Hoàng Văn Thiều, bản Sốp Nặm, xã Sốp Cộp tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất ván gỗ ép của gia đình anh Hoàng Văn Thiều, bản Sốp Nặm, xã Sốp Cộp tạo việc làm cho lao động địa phương.

Ông Tòng Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Sốp Cộp, cho biết: Xã có 5.183 người trong độ tuổi lao động. Hằng năm, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với ban quản lý các bản rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, lao động chưa qua đào tạo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; có giải pháp cụ thể để tạo việc làm phù hợp cho lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân canh tác hiệu quả hơn 352 ha đất sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật cải tạo vườn tạp bằng cây nhãn ghép, xoài ghép, cam, bưởi...; trồng cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng. Hiện nay, 710 hộ trong xã trồng gần 182 ha cây ăn quả; trong đó, 160 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 7-8 tấn quả các loại/ha.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ, dự án, chương trình, nguồn kinh phí của địa phương được giao hằng năm và các nguồn huy động khác gần 1,5 tỷ đồng, xã đã chọn đối tượng hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các nhóm đối tượng quân nhân xuất ngũ; hộ nghèo; đào tạo nghề cho học sinh đã tốt nghiệp THPT... Năm 2022, từ các nguồn hỗ trợ trên đã tạo việc làm ổn định cho trên 350 lao động; nhiều hộ xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả. Ngoài ra, còn có 7 HTX nông nghiệp, 5 cơ sở chế biến ván gỗ ép, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động địa phương.

Anh Hoàng Văn Thiều, bản Sốp Nặm, xã Sốp Cộp, chia sẻ: Mỗi năm cơ sở sản xuất của gia đình tiêu thụ từ 290-300 m³ gỗ nguyên liệu, chủ yếu là gỗ thông rừng trồng của bà con được phép khai thác để sản xuất khoảng 110 nghìn tấm ván bóc. Cơ sở tạo việc làm cho từ 8-10 lao động địa phương, với mức tiền công 6-7,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện giới thiệu lao động địa phương với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động. Tính từ năm 2020 đến nay, có trên 120 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Anh Vì Văn Thuận, bản Pe, xã Sốp Cộp, thông tin: Vợ chồng tôi đi làm công nhân ở Công ty sản xuất bao bì tại tỉnh Bắc Ninh, thu nhập từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Sau 3 năm đi làm, gia đình đã xây được ngôi nhà mới.

Với mục tiêu đến năm 2025, trên 90% số lao động có việc làm thường xuyên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%, xã Sốp Cộp đang tiếp tục vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; rà soát nhu cầu học nghề để tham mưu với huyện tổ chức các lớp dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, sửa chữa, dịch vụ; tạo điều kiện cho lao động có nhu cầu được đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-OHqrq1ZSg.html