Tạp bút: Cảm ơn tháng Bảy

Tháng Bảy về, Quảng Trị lại trở thành niềm thương nỗi nhớ trong ký ức bao người. Có tự do đi giữa đất trời bình yên mà không xáo động hay giật mình thảng thốt bởi vài ám ảnh từ một dòng sông, một cây cầu hay nhiều địa danh lịch sử khác, mới hay giá trị của hòa bình.

 Lễ thả hoa trong một đêm tưởng niệm trên sông Thạch Hãn. Ảnh: L.Đ.D

Lễ thả hoa trong một đêm tưởng niệm trên sông Thạch Hãn. Ảnh: L.Đ.D

Ai đi xa đi lâu mấy, tới khi trở về Quảng Trị cũng chẳng có chi ngạc nhiên đến nỗi không nhận ra nơi này. Có chăng là những đứa trẻ ngày xưa bồng em trẹo hông, mặt mũi lem luốc, chân tay dính đầy đất cát giờ xinh trai đẹp gái, học hành đỗ đạt và thành tích đâu thua kém gì người ta.

Mỗi ngày qua, mạng xã hội kéo mọi người gần nhau hơn nên từ vài bài viết, tôi nhận được khá nhiều chia sẻ tâm tình về quê hương. Những con người vì thời cuộc và mưu sinh phải xa quê nghèo để đi gần hết cuộc đời vẫn thấy đường về xa ngái. Ai nấy đều mong ước quay về cho gió Lào phả vào rát mặt, dầm dề trong cơn mưa thối đất thối trời, đắm mình giữa quê hương cho bõ ngậm ngùi thương nhớ.

Trong những cuộc hành hương về nguồn, nhiều người thân của các liệt sĩ thường mang nắm đất và nước sông quê hòa vào dòng Thạch Hãn để người nằm dưới được gần hơn với quê mẹ, thì bởi có nơi đâu bằng quê nhà. Bao nhiêu người lần đầu đến đây đều thấy lòng mình chùng xuống bởi vết tích của chiến tranh lưu dấu khắp nơi.

Từ bờ tường loang lổ bom đạn hay nghĩa trang bạt ngàn ngôi mộ bên hàng thông reo đều là minh chứng hùng hồn cho một thời hoa lửa. Những dịa danh được lịch sử nhắc đến nhiều như Thành Cổ, sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, Khe Sanh, Đầu Mầu... đều chứa cả niềm tự hào lẫn nỗi đau chẳng bao giờ nguôi nhớ.

Hình ảnh mệ già cầm khăn lau di ảnh của người con ngã xuống vì Tổ quốc bao giờ cũng khiến người ta xót thương và cảm phục. Hình dung giờ này mệ còn lụm đụm bên vườn nhà với đám rau cỏ, đêm về quờ tay tìm chiếc quạt mo cau rồi gãi lưng rột roạt. Đôi lần cất giọng ca vẫn còn ngọt lắm để trêu cô cháu gái “Anh về đừng có ngó lui/Để em ngó dọi bùi ngùi thêm thương”.

Chú cựu chiến binh cứ nhắc mãi, thời con gái mấy mệ vào rú lên rừng thì hãi lắm, thế mà chẳng biết lấy đâu ra gan dạ để một mình bới cơm lên rừng cho cán bộ, khi bụng mang dạ chửa vẫn nằm tập lăn lê bò trườn trên triền cát nóng rát để được tham gia du kích. Mệ cười, mấy o con gái đất này chi chớ gan to dạ vững, có rứa mới góp công làm nên lịch sử.

Ngày tháng Bảy đi giữa lòng thị xã Quảng Trị dễ bắt gặp hình ảnh những người lính già nua mang áo xanh, đội mũ tai bèo, ngực đeo huân chương đứng bên bờ sông, thả bè hoa cho người thiên cổ. Ký ức đã thành bất tử nên bao người tự hứa còn hơi thở là còn trở lại đất này, thắp cho đồng đội nén nhang ấm lòng người ngã xuống.

Những năm gần đây, đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn được tổ chức định kỳ hằng tháng như một nghĩa cử tri ân những anh hùng liệt sĩ. Mỗi tháng Bảy, chương trình thả hoa đăng được tổ chức long trọng và quy mô hơn. Linh thiêng của đất trời sẽ hội tụ trong đêm tháng Bảy, trong mỗi ngọn nến và nén nhang, trong mỗi nhánh hoa trôi bồng bềnh giữa mênh mang sông nước. Cả dòng sông linh thiêng màu nhiệm, con đò xuôi nhẹ sợ đánh thức giấc ngủ ngàn năm. Những tuổi xuân ý nghĩa đã hóa thân vào cây cỏ, vào nước non quê nhà để cỏ dưới chân Cổ Thành xanh ngút ngàn và nước nguồn Thạch Hãn xanh trong, chảy miết ra biển lớn.

Như một câu hát bật môi trong tâm tưởng người xa xứ “Sông Thạch Hãn muôn đời vẫn chảy như nghĩa tình tôi với quê hương”. Bao giờ cũng vậy, mỗi tháng Bảy về lại nghe ân tình thiết tha khi ai đó nhắc đến quê mình bằng niềm vọng tưởng khôn nguôi. Muốn cảm ơn tháng Bảy, bởi giữa xô bồ của đời sống cùng bao la bận bịu, ta có dịp nhìn lại và trân trọng hơn về quá khứ hào hùng của cha ông. Hơn hết là niềm tự hào thiết tha khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, dẫu không trải qua những năm tháng cùng cực, gian khổ nhưng nhắc mình luôn khắc cốt ghi tâm với lòng biết ơn vô vàn...

Diệu Ái

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=150647