Tập đoàn RAND: Mỹ nên giúp Nhật phát triển kho tên lửa chống hạm trên mặt đất
Khi không có đồng minh nào trong khu vực sẵn sàng sở hữu tên lửa của Mỹ, thì Washington nên khuyến khích Nhật phát triển kho tên lửa của riêng mình.
Theo một báo cáo mới của Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc có trụ sở ở TP Santa Monica, bang California), không có đồng minh nào của Mỹ ở Thái Bình Dương hiện sẵn sàng sở hữu tên lửa tầm trung của Washington.
Thay vào đó, tác giả bài báo cáo Jeffrey W. Hornung đưa ra lời khuyên rằng Washington nên khuyến khích Nhật phát triển một kho tên lửa của riêng mình để răn đe các tàu Trung Quốc.
Theo đài RT, vài ngày sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào tháng 8-2019, Lầu Năm Góc tiết lộ họ đang nghiên cứu các tên lửa bị cấm trước đây và muốn đặt chúng đâu đó trên vành đai Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo ông Hornung, dường như điều đó nói dễ hơn làm.
Trong báo cáo, ông Hornung lập luận rằng nếu như tình trạng chính trị trong nước và xu hướng an ninh ở khu vực vẫn ổn định, thì khả năng các nước như Thái Lan, Úc, Hàn Quốc, Philippines và Nhật tiếp nhận các hệ thống của Mỹ là rất thấp.
Trong trường hợp Thái Lan có một “chính phủ được quân đội hậu thuẫn” và “thể hiện xu hướng theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc”, thì Mỹ sẽ không muốn đặt tên lửa ở đó, và người Thái cũng sẽ khó chấp nhận nếu được yêu cầu.
Philippines cũng "rất khó" chấp nhận lưu giữ tên lửa của Mỹ. Mặc dù “công chúng và giới tinh hoa Philippines nói chung ủng hộ Mỹ và liên minh, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn theo đuổi các chính sách ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ” - ông Hornung viết.
Theo báo cáo, chính phủ Hàn Quốc cũng có quan hệ với Trung Quốc và dễ chịu sức ép từ phía Bắc Kinh, với việc Seoul “rất khó có khả năng” đồng ý sở hữu tên lửa của Mỹ trong bối cảnh “quan hệ Mỹ-Hàn nhìn chung đang xấu đi”.
Tuy Úc có vẻ là một ứng cử viên sáng giá, nhưng Canberra khá miễn cưỡng với việc cho phép nước ngoài thiết lập các căn cứ lâu dài trên lãnh thổ của họ. Hơn nữa, Úc cách Trung Quốc quá xa, có thể khiến các hệ thống tên lửa tầm trung trên mặt đất (GBIRM) hoạt động không hiệu quả.
Ngay cả Nhật, nước sẵn sàng “tăng cường khả năng quốc phòng của mình đối với Trung Quốc”, cũng khá miễn cưỡng khi chấp nhận việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự hoặc “triển khai các loại vũ khí tấn công”, báo cáo lưu ý.
Theo ông Hornung, bất kỳ chiến lược nào của Mỹ trong việc tìm kiếm đối tác sẵn sàng lưu trữ GBIRM cũng sẽ đối mặt rủi ro thất bại nghiêm trọng. Thay vào đó, ông cho rằng Mỹ nên “giúp đỡ Nhật trong nỗ lực phát triển và triển khai kho tên lửa chống hạm trên mặt đất”, điều này có thể khiến Tokyo sẵn sàng triển khai tên lửa hành trình chống hạm với tầm bắn xa hơn.
“Mặc dù những tên lửa này vẫn sẽ không có khả năng nhắm mục tiêu ở sâu bên trong Trung Quốc, nhưng nếu chúng được triển khai trên các hòn đảo phía tây nam của Nhật hoặc thậm chí là đảo Cửu Châu, chúng sẽ có thể kiểm soát các hoạt động di chuyển của tàu bè ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và một số vùng bờ biển phía đông của Trung Quốc” - báo cáo kết luận.