Tập trung nguồn lực nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Thạch An huy động mọi nguồn lực đầu tư, triển khai các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị góp phần đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Huyện Thạch An có hơn 98% đồng bào DTTS. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo tới các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đưa vào sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng mũi nhọn, chủ lực như: hồi, thạch đen, quế...
Vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen canh tác theo phương pháp truyền thống. Mở các hội nghị về xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Triển khai các dự án liên kết theo chuỗi giá trị như: Dự án khoa học “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết, ứng dụng khoc học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lạc vùng miền núi tỉnh Cao Bằng” trên 100 ha, năng suất đạt 12 tạ/ha; mô hình sản xuất lê vàng Đông Khê cho năng suất, chất lượng cao, quy mô 20 ha đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; phê duyệt 189 mã vùng trồng thạch đen tại 9 xã trên địa bàn huyện, diện tích 305,5 ha, năng suất đạt 55 tạ/ha; cây hồi 2.792 ha, năng suất đạt 15 tạ/ha; cây quế 1.816,7 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 500 ha; dự án trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt thương phẩm cho năng suất, chất lượng cao, công suất thiết kế 2.500 con lợn thịt/lứa… Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị giúp đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước giúp người dân cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, huyện huy động mọi nguồn lực lồng ghép Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi..., tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi… Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 249 tỷ 955 triệu đồng, đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; giúp người dân thay đổi tư duy nhận thức về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung.
Xóm Ka Liệng, xã Thụy Hùng có 64 hộ dân tộc Mông đen sinh sống. Anh Trịnh Văn Long, Bí thư Chi bộ xóm chia sẻ: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với được đầu tư làm đường nông thôn, nhà văn hóa, trường học, kéo điện lưới quốc gia, bà con còn được quan tâm hỗ trợ vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tìm hướng đi trong giảm nghèo. Đến nay, đường vào xóm được bê tông hóa, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và có hệ thống nước sạch. Điểm trường mầm non, tiểu học và trạm y tế được đầu tư khang trang. Bà con được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tìm hướng đi trong giảm nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn 76%, xóm không có người sinh con thứ 3, không có nạn tảo hôn, an ninh trật tự đảm bảo.
Triển khai kịp thời các chính sách dân tộc và sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền các cấp, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 23,2 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích đạt 89,62 triệu đồng/ha/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt 16.091,34 tấn; 100% tuyến đường đến trung tâm xã được rải nhựa, bê tông, 94 xóm có đường ô tô đi được đến trung tâm xóm, 78% tuyến đường đến trung tâm xóm được cứng hóa, 11 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 99,8% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 100% tổ dân phố, xóm có nhà văn hóa, 40% xã có nhà văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 5%/năm, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia 96%, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%...
Thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống đồng bào DTTS, xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; lựa chọn cây, con giống phù hợp hỗ trợ người dân xây dựng mô hình kinh tế.