Tập trung nhân lực, vật lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu giáo dục trong năm học mới

Nhờ bám sát các mục tiêu đã đề ra, nên năm học 2018-2019, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2019-2020.

 Giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng Vàng (Gia Nghĩa) tăng cường các tiết dạy trực quan giúp trẻ trải nghiệm tốt

Giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng Vàng (Gia Nghĩa) tăng cường các tiết dạy trực quan giúp trẻ trải nghiệm tốt

Các bậc học cơ bản đạt mục tiêu đề ra

Theo đánh giá, năm học 2018-2019, trên cơ sở 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp chung của toàn ngành, từng bậc học cũng có những nhiệm vụ, giải pháp riêng, phù hợp với thực tiễn giáo dục, địa phương.

Cụ thể, bậc mầm non đã duy trì tốt và nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt 14,3%; trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường đạt trên 83%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt trên 99%. Tỷ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày đạt trên 97%.

Với việc tích cực đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, 100% trẻ được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm và được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ được tổ chức ăn bán trú đạt 88%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ giảm xuống còn 3,3%, mẫu giáo còn 5,5%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ nhà trẻ giảm xuống còn 2,7% và trẻ mẫu giáo giảm còn 5,1%. Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở nhà trẻ giảm còn 0,1% và mẫu giáo giảm còn 0,1%. Toàn ngành đã công nhận được thêm 6 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 30 trường; trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Ở bậc phổ thông, các trường chú trọng đổi mới đồng bộ phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh. Toàn ngành đã tổ chức được 8 đợt tập huấn cấp huyện, 149 lần cấp trường với trên 3.700 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia. Các lớp tập huấn đã góp phần tăng cường mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau giữa các hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất, sự tiến bộ của học sinh. Một số trường đã xây dựng được bản tin học tập, tổ chức và duy trì đều đặn các câu lạc bộ như Toán học, tiếng Anh, Mỹ thuật...

Các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, các tiết dạy ứng dụng công nghệ thông tin... Chất lượng giáo dục toàn diện của giáo dục vùng dân tộc thiểu số được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Điều đáng ghi nhận là tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt cao so với các tỉnh thành trong khu vực. Trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tỉnh có 15 học sinh đạt giải; trong đó có 4 giải Ba và 11 giải Khuyến khích. Toàn ngành cũng đạt 1 giải Nhì và 1 giải Tư trong Kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp khu vực.

Bám sát 7 nhóm nhiệm vụ

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được của năm học qua, ngành Giáo dục sẽ tập trung nhân lực, vật lực để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong năm học mới. Trong đó, việc bảo đảm cơ sở vật chất cho các bậc học là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, các huyện, thị xã cần bố trí kinh phí sửa chữa các trường học, tránh tình trạng xuống cấp, nhất là đối với những trường tiểu học và THCS xây lâu năm. Cùng với đó, các địa phương cũng cần tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới, duy trì những trường đã đạt chuẩn, tránh tình trạng “rớt” chuẩn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/giao-duc/tap-trung-nhan-luc-vat-luc-thuc-hien-hieu-qua-cac-muc-tieu-giao-duc-trong-nam-hoc-moi-74354.html