Tập trung phát triển vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279

ĐBP - Thời gian qua, việc tập trung khai thác lợi thế và phát triển vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279 (gồm TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông; trong đó, TP. Ðiện Biên Phủ là đô thị trung tâm vùng) đã góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.

Ðô thị TP. Ðiện Biên Phủ là hạt nhân vùng kinh tế động lực ngày càng được đầu tư, hoàn thiện, tạo động lực phát triển kinh tế vùng.

Theo Quyết định 555/QÐ-TTg ngày 16/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 3 vùng kinh tế. Trong đó, vùng kinh tế động lực nằm dọc quốc lộ 279, gồm: TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông. Ngoài ra, còn 2 vùng kinh tế khác (không phải là vùng động lực) là: Vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Ðà (gồm: TX. Mường Lay và các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà); vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé. Ðịnh hướng phát triển vùng kinh tế động lực, tập trung phát huy chuỗi đô thị TP. Ðiện Biên Phủ, trung tâm huyện lỵ Ðiện Biên, thị trấn Mường Ảng, Tuần Giáo và khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang làm nền tảng căn bản cho việc phát triển công nghiệp và du lịch, dịch vụ theo định hướng; phát huy thế mạnh cây trồng, đặc biệt là sản xuất lương thực, cây công nghiệp, công nghiệp khai thác, chế biến và các ngành dịch vụ.

Xác định TP. Ðiện Biên Phủ là đô thị trung tâm của vùng, thời gian qua tỉnh và thành phố đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện thành phố về mọi mặt. Từng bước xây dựng Ðiện Biên Phủ trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, an toàn, có cấu trúc kinh tế và đô thị tổng hợp, năng động và linh hoạt, đáp ứng những yêu cầu phát triển của tỉnh, đồng thời hội nhập quốc tế. Ðể thực sự trở thành đô thị trung tâm của vùng nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, TP. Ðiện Biên Phủ được quy hoạch chia thành 4 phân khu đô thị, gồm: Tây Bắc, Ðông Bắc, trung tâm hiện hữu và trung tâm mới phía Ðông.

Trên cơ sở quy hoạch chung, làm tiền đề cho việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, như: Quy hoạch phân khu đa chức năng dọc trục đường 60m; phân khu Trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thuộc khu đô thị mới phía Ðông TP. Ðiện Biên Phủ; phân khu tỷ lệ 1/5.000 khu trung tâm hiện hữu TP. Ðiện Biên Phủ; phân khu tỷ lệ 1/5.000 khu vực phía Bắc TP. Ðiện Biên Phủ gắn với quy hoạch Cảng Hàng không Ðiện Biên… Nhờ đó, hạ tầng thành phố không ngừng được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo. Hiện nay toàn thành phố có 140km đường giao thông (trong đó đường nhựa và bê tông xi măng chiếm trên 80%). Một số dự án trọng điểm đã được triển khai thực hiện, đó là: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc; Dự án Thu gom, xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ; Dự án Cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp; Dự án Nhà máy xử lý rác thải Ðiện Biên... Tính đến hết năm 2019, tổng sản phẩm bình quân đầu người của thành phố đạt 3.825 USD/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,32%.

Không chỉ riêng TP. Ðiện Biên Phủ, đến nay tại một số đô thị của vùng kinh tế động lực, như: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo đã hình thành, duy trì và phát triển 3 cụm liên kết ngành công nghiệp, như: Cụm công nghiệp Na Hai tại huyện Ðiện Biên với diện tích 49,8ha với Nhà máy Xi măng Ðiện Biên công suất 360 nghìn tấn/năm; cụm công nghiệp phía Ðông (huyện Tuần Giáo) diện tích 50,3ha; cụm công nghiệp hỗn hợp xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) với diện tích 15ha, tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê công suất 1.000 tấn/năm và 2.500 tấn vi sinh/năm. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ được quan tâm đầu tư, phát triển. Chỉ tính riêng TP. Ðiện Biên Phủ, năm 2019 có khoảng 485 lượt khách đến tham quan du lịch (tăng 77 nghìn lượt khách so với năm 2018), trong đó có 6.200 lượt khách quốc tế; doanh thu khoảng 582 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, như: Vùng sản xuất lúa gạo vùng lòng chảo Ðiện Biên; mắc ca vùng Tuần Giáo, Ðiện Biên; cây ăn quả, cà phê vùng Mường Ảng, Tuần Giáo. Hiện nay đang triển khai dự án trồng các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel với quy mô 217,5ha trên địa bàn huyện Mường Ảng. Ðến nay, vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279 đã thu hút được 21 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cùng với đó, tổ chức xây dựng và xác nhận 19 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn; nhờ đó giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn với giá ngoài thị trường từ 20 - 30%. Bước đầu triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: Trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ cao; trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới; sản xuất nuôi trồng và chế biến nấm… Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương chiếm 0,25% và tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết chiếm 0,76% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản.

Với sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua, vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279 đóng góp trên 70% tổng sản phẩm toàn tỉnh. Trong đó, TP. Ðiện Biên Phủ là đô thị hạt nhân, động lực phát triển của vùng; là cơ sở để quản lý quy hoạch, xây dựng hệ thống đô thị, các khu dân cư nông thôn và các khu vực động lực trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/177744/tap-trung-phat-trien-vung-kinh-te-dong-luc-doc-quoc-lo-279