Tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản

Sáng 3-9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020.

Sáng 3-9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.008 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), trong đó 531 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019, 27 ổ dịch phát sinh mới, 450 ổ dịch tái phát tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 43.150 con lợn. Hiện cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có DTLCP chưa qua 21 ngày; 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn lợn… Chiều cùng ngày, Bộ tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên gia súc giai đoạn 2016 - 2020 và dự thảo chương trình từ năm 2021 đến 2025. Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về thực trạng hiện nay; đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn nữa.

* Theo Cục Thú y, trong tám tháng năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 38.736 ha, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2019. Trên tôm, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 36.605 ha, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại hơn 766 ha, tăng 11,87 lần so với cùng kỳ năm 2019.

* Theo UBND xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, ngày 1-9, trong lúc mưa dông, chín con trâu của một hộ dân trên địa bàn bất ngờ bị sét đánh chết.

* Ðêm 31-8 đến rạng sáng 1-9 tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã xảy ra dông lốc làm 18 căn nhà và 105 công trình phụ bị tốc mái; một điểm văn hóa bị sập mái; 13 ha lúa, rau màu và cây ăn quả bị đổ ngã. Thiệt hại ước tính khoảng 1,6 tỷ đồng.

* Tại Ninh Thuận, trong ngày 1-9, mưa dông kèm theo sét trên địa bàn xã Phước Ðại, huyện Bác Ái làm một người chết.

* Chiều tối 1-9, trên địa bàn huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra mưa to kèm dông sét và gió giật mạnh làm ba nhà sập mái, 560 ha lúa bị đổ ngã. Thiệt hại ước tính khoảng hai tỷ đồng.

* Trong các ngày 31-8, 1-9, mưa dông, lốc, sét, sạt lở đất xảy ra tại Bắc Kạn, Thái Nguyên khiến ít nhất 64 nhà dân bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, công ích bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại gần một tỷ đồng.

* Trong hai ngày 31-8 và 1-9, cán bộ, công chức, lực lượng dân quân, công an, quân sự xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) phối hợp cùng Chi đoàn Trại tạm giam Công an Ðồng Tháp khắc phục đoạn sạt lở bờ tây sông Cần Lố, đoạn từ chợ Nhị Mỹ về cầu Cả Môn. Ðoạn sạt lở có chiều dài 50 m, ăn sâu vào nhà dân từ 3 đến 6 m, làm ảnh hưởng đến đời sống, lưu thông của người dân.

* Dự kiến, đến ngày 5-9, toàn tỉnh Nam Ðịnh có 10.400 ha (14% diện tích) lúa mùa sớm trổ bông; đến ngày 20-9 có 65.240 ha trổ bông. Khoảng 10% diện tích là các giống lúa mùa muộn (tám, nếp đặc sản) trổ bông sau ngày 20-9. Do lúa xanh tốt và điều kiện thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ sâu nở rất cao và phân bố trên diện tích rộng lúa đại trà. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương cần phun thuốc trừ sâu đục thân hai chấm lứa 5, bệnh đạo ôn cổ bông.

* Ngày 3-9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi phối hợp chính quyền địa phương tiêu hủy đàn gà 1.300 con của một hộ nuôi ở thôn Bình Ðẳng, xã Tịnh Ấn Ðông, TP Quảng Ngãi bị cúm A(H5N6).

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 4 đến ngày 6-9, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có chỉ số tia cực tím (UV) ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao như: tại Hà Nội chỉ số tia UV trong các ngày lần lượt là 9, 8, 9; tại TP Hồ Chí Minh là 9, 9, 10. Còn tại Ðà Nẵng và Hội An (tỉnh Quảng Nam ) là 10, 9, 8. Trong điều kiện thời tiết còn nắng nóng kéo dài, mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị cần có các biện pháp đề phòng khi lao động, hoạt động trong nhiệt độ cao nhằm giảm nguy cơ say nắng và sốc nhiệt.

Làm rõ nguyên nhân lúa chết bất thường tại Cà Mau

Liên quan đến việc người dân tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau phản ánh tình trạng lúa chết bất thường, nguyên nhân được cho là do sử dụng thuốc diệt cỏ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản xác minh. Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp UBND huyện Trần Văn Thời và các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ. Trước đó, đại diện của sáu hộ dân có lúa bị thiệt hại ở xã Khánh Hải cho biết, các hộ dân mua thuốc Whip’s 7.5EW tại hai đại lý trong xã (có ba hộ trộn với thuốc của công ty khác, do đại lý phối trộn). Sau khi sử dụng, lúa của các hộ dân chết rất nhiều. Tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng gần 10 ha, mức độ thiệt hại từ 30 đến 80%.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tap-trung-phong-chong-dich-benh-gia-suc-gia-cam-va-thuy-san-615497/