'Tập trung rà soát chương trình hành động, khắc phục thiếu sót về công tác dân tộc...'

Đó là chỉ đạo của đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tại cuộc Hội thảo 'Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung' được tổ chức vào ngày 13-1, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đối với địa bàn Tây Nguyên, yêu cầu nêu trên càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững...

BĐBP Gia Lai khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

BĐBP Gia Lai khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Trong những năm gần đây, vùng đồng bào DTTS miền núi nói chung, địa bàn Tây Nguyên nói riêng đã có những bước phát triển ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn, phát huy, tạo dấu ấn đậm nét không chỉ trong nước, khu vực mà lan tỏa ra tầm thế giới, trong đó, cần phải kể đến là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tây Nguyên được ví như “mái nhà” Đông Dương, với vị trí chiến lược quan trọng của vùng tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Vị thế đó không chỉ được thể hiện trên lĩnh vực kinh tế, với hệ thống giao thông phát triển mạnh, kết nối vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và cả Thái Lan, Myanma với các cảng biển miền Trung Việt Nam để vươn ra quốc tế, mà còn là khu vực giao thoa giữa các nền văn hóa để tạo nên những giá trị truyền thống sống mãi với thời gian.

Mặc dù vậy, sự phát triển trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong những năm gần đây là tương đối nhanh, nhưng vẫn còn thiếu tính bền vững. Trên lĩnh vực kinh tế, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng xóa nghèo xong lại tái nghèo, sản xuất nông nghiệp chưa thoát ra khỏi “thân phận” kinh tế phụ thuộc (phụ thuộc điều kiện thời tiết khí hậu, phụ thuộc vào giá cả...).

Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa có mặt còn nặng tính hình thức, phong trào, thiếu sự đầu tư quan tâm đến chủ thể chính nơi đất làng, đó là con người. Thực tế cho thấy, có rất nhiều địa bàn, đồng bào DTTS đã mất hẳn những “ngón nghề” mà ông bà, tổ tiên để lại, đó là nghề thêu, dệt truyền thống. Không tự tạo ra sản phẩm là những tấm thổ cẩm chân chất, mộc mạc mà đậm tình dân tộc thì trang phục truyền thống cũng sẽ phai dần trong đời sống cộng đồng.

Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS thậm chí không mang mặc và cũng không còn lưu giữ bất kỳ bộ trang phục truyền thống nào, có chăng thi thoảng xuất hiện trên... sân khấu. Văn hóa cồng chiêng cũng chưa thực sự được bảo tồn, phát huy với tính bền vững cao. Loại nhạc cụ độc đáo này (nhất là những bộ chiêng cổ, quý) luôn đứng trước nguy cơ mai một do tình trạng mua bán, phục vụ cho một bộ phận con người chỉ muốn “đẳng cấp” trong thú vui tiêu khiển hơn là thưởng thức âm nhạc.

Từ thực tế nêu trên, vấn đề phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cần phải có những định hướng hết sức chặt chẽ với những chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết tốt vấn đề đất đai, nhất là đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, đối với vùng đồng bào DTTS, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ lực. Việc nhà nông thiếu đất sản xuất, dù chỉ mang tính cục bộ thì chưa thể nói đến chuyện phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc bố trí đất sản xuất cho bà con thì cũng phải gắn với công tác quản lý, để tránh tình trạng mua bán, chuyển nhượng diễn ra tràn lan như hiện nay. Nông dân thì thiếu đất sản xuất, phải đi thuê mướn lại của những người chưa từng một ngày làm nông nghiệp.

Bên cạnh ổn định sản xuất nông nghiệp, bài toán giao rừng, khoán rừng cũng cần có lời giải hợp lý nhất, đó là ưu tiên đồng bào DTTS làm chủ những cánh rừng ngay trên chính địa bàn mình đang sinh sống, để vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con, vừa bồi lắng “làm dày” hơn nét đẹp văn hóa truyền thống tinh hoa của núi rừng Tây Nguyên. Cùng với đó là việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, kết hợp mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dạy nghề nhằm phát huy những thế mạnh tại chỗ, nâng cao nguồn năng lực vốn chưa được khai thác hiệu quả trong cộng đồng.

Ưu tiên phát triển văn hóa, giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống, loại bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống theo đúng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào. Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Đời sống của đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày càng được cải thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư, hoàn thiện, công tác giáo dục, y tế được quan tâm.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk có 2 huyện nghèo 30A, 50 xã khu vực III, 247 thôn buôn đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 18,37% thì đến cuối năm 2020, con số này giảm xuống còn 4,97%, bình quân cả giai đoạn 2016-2020 giảm 4,95%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS được quan tâm bảo vệ, duy trì và phát triển. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng một số nơi vẫn còn thiếu và yếu, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào tự nhiên, nguồn lực đầu tư để thực hiện chính sách dân tộc còn nhiều hạn chế. Chính vì lẽ đóa, việc thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là hết sức cần thiết.

Đây là chính sách lớn, tích hợp nhiều nội dung liên quan, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đầu tư cho vùng DTTS. Sau khi Đề án được tổ chức thực hiện và đi vào cuộc sống sẽ có nhiều tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng...

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị các địa phương tập trung rà soát chương trình hành động, khắc phục ngay những thiếu sót về công tác dân tộc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận, cùng bàn, thống nhất các giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ: Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, gần dân, sát dân, thấu hiểu nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS thông qua việc giải quyết tốt vấn đề đất đai, việc làm, tăng cường đầu tư hạ tầng nông thôn, phát huy tinh thần tự lực của người dân. Đồng thời, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nhất.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tap-trung-ra-soat-chuong-trinh-hanh-dong-khac-phuc-thieu-sot-ve-cong-tac-dan-toc-post436606.html