Tập trung tháo gỡ 'điểm nghẽn' để phát triển kinh tế tập thể
Như Báo Lào Cai đã đưa tin, sáng nay (17/7) Hội nghị Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Lào Cai đã diễn ra. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường, Hội nghị đã được nghe báo cáo đánh giá khái quát tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chất lượng hoạt động của khu vực KTTT được nâng cao
Theo báo cáo do Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư trình bày tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới 14 HTX, nâng tổng số HTX lên 515 (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng các HTX ngày càng nâng cao, có trên 72% HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 918 triệu đồng/năm (tăng 2,8% so với năm 2023); thu nhập bình quân của lao động trong HTX đạt 48 triệu đồng/năm (tăng 2,1% so với năm 2023).
Không chỉ tăng nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, các HTX trên địa bàn tỉnh còn hoạt động đa dạng trong các ngành nghề, lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân và mở rộng hoạt động trong nhiều ngành, nghề, lĩnh vực mới như công nghệ số, du lịch, bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, dịch vụ vệ sinh, điện nước, cung cấp nước sạch...
Các HTX đã áp dụng khoa học, công nghệ, thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh độc canh, đơn lẻ, truyền thống, sang chuỗi giá trị để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nâng tầm sản phẩm, tạo hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 36 mô hình liên kết sản xuất, với 16 doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, hộ nông dân và 20 HTX tham gia liên kết với các HTX, hộ nông dân; quy mô liên kết ước đạt 11.575 ha với 12.328 hộ dân tham gia; tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 1.283 tỷ đồng. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Hiện nay, số lượng và quy mô của HTX trên địa bàn còn nhỏ, đa số chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào của sản xuất; nhiều HTX gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ HTX được tiếp cận, thụ hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX còn ở mức thấp...
Ngoài ra, năng lực nội tại, đặc biệt là vốn, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX còn yếu; tính liên kết, hợp tác trong HTX chưa cao; khả năng mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, tiếp cận với các chương trình, dự án cũng như các nguồn vốn tín dụng của các HTX còn hạn chế; tỷ lệ HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể còn cao (141 HTX, chiếm 27,4% tổng số HTX).
Tại hội nghị, trên tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn đang gặp phải trong quá trình hoạt động, thậm chí trở thành “điểm nghẽn” đối với sự phát triển của KTTT, HTX. Trong đó có những khó khăn không chỉ 1, 2 mà rất nhiều HTX đang gặp phải, đó là tích tụ đất đai; tiếp cận vốn vay ưu đãi; phát triển thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng sản phẩm OCOP; tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật sản xuất; quản lý chất lượng nông sản; quản trị HTX; xây dựng liên kết sản xuất; cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX...
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn nhiều khó khăn
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước hết phải có vốn đầu tư lớn cho xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần khoảng 140 - 150 tỷ đồng (gấp 4 - 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng. Song thực tế, các HTX trên địa bàn hiện nay, nguồn vốn ít nên khó thực hiện. Việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản thấp nên việc vay vốn cũng bị hạn chế.
Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Những người hoạt động trong các hợp tác xã phần lớn chưa được đào tạo bài bản và hạn chế khi tiếp cận với các thông tin về khoa học công nghệ. Thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật cao để vận hành và bảo trì các hệ thống công nghệ.
Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có diện tích đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa… Tuy nhiên, các hợp tác xã trên địa bàn lại đang gặp khó khăn về những yếu tố này.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường, sản phẩm làm ra sẽ không tiêu thụ được hoặc khó tiêu thụ. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Phần lớn nông sản của HTX mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, trong khi đó nhiều loại nông, lâm sản đang phải chịu sự cạnh tranh về thị trường tiêu thụ.
HTX phải đối mặt với khó khăn chủ quan và khách quan
Về khó khăn chủ quan, HTX được thành lập từ việc nâng cấp mô hình sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình nên có ít nguồn vốn để hoạt động, trang - thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh chưa cao. Khả năng huy động vốn của các thành viên và năng lực, trình độ quản trị HTX còn rất hạn chế. Do quy mô hoạt động hạn chế, chủ yếu là các dịch vụ đầu vào, nên doanh thu tạo ra chưa cao, lợi nhuận thấp.
Về khó khăn khách quan, đó là các quy định hiện hành về quy hoạch, kế hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay rất phức tạp và HTX không thể đáp ứng được yêu cầu pháp lý để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với du lịch nông nghiệp. Bởi không có cơ chế, chính sách tạo điều kiện xây dựng công trình, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp, do đó, HTX không khai thác được giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch nông nghiệp ngoài việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thuần túy; không tổ chức được hoạt động kinh doanh lưu trú, ăn uống, thu vé, phí tham quan du lịch trải nghiệm trong các nông trại, khu vực sản xuất nông nghiệp rau, hoa, cây dược liệu mặc dù nhu cầu thị trường là rất lớn.
HTX đang rất thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng khó tiếp cận được chính sách hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp. HTX không xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt được các dự án sản xuất, kinh doanh để tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi do thủ tục rất phức tạp.
Sản phẩm chính của HTX là sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng nên cần rất nhiều vốn đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để quảng cáo, tiếp thị, liên kết, tìm kiếm thị trường, tuy nhiên chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác này đối với các HTX hiện nay chưa phát huy hiệu quả.
HTX khó “hấp thụ” được nguồn vốn
Để được cấp nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng cần đáp ứng rất nhiều các điều kiện. Căn cứ vào Luật HTX 2023 (vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tại Điểm a Khoản 1 Điều 23), thì điều kiện và mô hình hoạt động tại các HTX hiện nay rất khó để vay vốn tín dụng.
Hầu hết HTX chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để vay ưu đãi do quy mô hoạt động nhỏ, vốn tự có thấp, phương án sản xuất, kinh doanh chưa mang tính khả thi. Đặc biệt, HTX không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, việc xét duyệt cho vay khó khăn hoặc các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản nhưng chưa chuyển đổi quyền sở hữu cho HTX mà vẫn mang tên của thành viên nên không thể sử dụng tài sản thế chấp vay vốn.
HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định chưa thể hiện được tính minh bạch, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Do vậy, các HTX rất cần có các giải pháp, chính sách mở để “hấp thụ” được nguồn vốn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho rằng, những ý kiến, kiến nghị xuất phát từ thực tế hoạt động của các HTX, qua đó gợi mở cho các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương thấy được những vướng mắc, trách nhiệm của mình để tham mưu cho tỉnh tìm hướng giải quyết.
Những nội dung đại biểu đưa ra đã được lãnh đạo các ngành giải thích cụ thể, đồng thời cung cấp thêm thông tin, giúp các HTX nắm bắt để chủ động có hướng sản xuất, kinh doanh; cam kết hỗ trợ, đồng hành với các HTX trong quá trình hoạt động theo quy định và đúng cơ chế, chính sách.
Trên cơ sở ý kiến của đại diện các HTX và các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã chỉ rõ những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, "điểm nghẽn".
Theo đó, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng đối với phát triển kinh tế tập thể; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành đề án về thúc đẩy phát triển KTTT, HTX; tiếp tục duy trì các HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để giải quyết, xây dựng kế hoạch để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các HTX đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động.
"Các "điểm nghẽn" đối với sự phát triển KTTT, HTX còn nhiều, chủ yếu về đất đai, vốn, chính sách hỗ trợ… do đó cần tập trung tháo gỡ những vấn đề này", Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Khai thác lợi thế, thế mạnh của tỉnh về khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí để phát triển. Các HTX cần gắn sản phẩm với du lịch; phát huy tính linh động, sáng tạo của đồng bào dân tộc thiểu số để kết nối chuỗi giá trị.
Tăng cường công tác truyền thông về cơ chế, chính sách để các HTX, cộng đồng cùng tiếp cận.
Tỉnh sẽ cân đối bố trí ngân sách địa phương để đối ứng với Quỹ của Liên minh Hợp tác xã để triển khai làm mẫu, làm điểm chuỗi giá trị sản xuất, để khu vực KTTT, HTX ngày càng phát triển.
Tận dụng cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tập thể
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển KTTT, HTX kiểu mới là xu thế tất yếu, khách quan, là phương thức tổ chức sản xuất phổ biến và hiệu quả. Liên kết hộ cá thể thì mới có khả năng ứng dụng công nghệ cao, huy động các nguồn lực sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, để phát triển kinh tế tập thể hiệu quả, bên cạnh việc tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi, tỉnh Lào Cai cần có giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đáp ứng những đòi hỏi và mức độ cạnh tranh ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế, làm thế nào để mọi người dân tham gia phát triển KTTT, HTX, khởi nghiệp thông qua mô hình HTX. Nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động chất lượng, tay nghề cao, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; huy động nguồn lực đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, hoạt động hiệu quả và tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa HTX và thành viên…
Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, với những chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương miền núi, biên giới. Đặc biệt chú trọng các chính sách về đất đai, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại cho HTX. Củng cố, nâng chất hoạt động, kiên quyết giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động. Tổng kết, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả.
Liên minh HTX tỉnh Lào Cai tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; củng cố và đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn và hiệu quả, liên kết chặt chẽ với hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, tăng cường kết nối, tư vấn, cung ứng dịch vụ cho thành viên; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ công cho HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, khoa học công nghệ, tín dụng, xúc tiến thương mại..
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề nghị các HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần tập trung liên kết; phải tự lực, tự cường trong việc huy động thành viên góp vốn tạo nguồn lực lớn cho phát triển. Tỉnh cần ban hành các chính sách để hỗ trợ các HTX, nghiên cứu thành lập Câu lạc bộ HTX và Liên minh HTX tỉnh là chủ lực trong việc thực hiện nội dung này.
Lào Cai còn nhiều dư địa để phát triển, cho nên trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp cùng tỉnh Lào Cai nghiên cứu kỹ, bài bản để tập trung phát triển HTX. Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cần chuyển tải các chính sách hỗ trợ đến HTX để triển khai thực hiện hiệu quả; cần tăng cường công tác đối thoại, nắm bắt những khó khăn để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, góp phần duy trì, thúc đẩy KTTT, HTX phát triển. Quan tâm phát triển sản xuất chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho các HTX.