Tập trung thu hoạch lúa hè thu

Trên các cánh đồng lúa thời điểm này, nông dân đang tập trung thu hoạch lúa hè thu trà cuối. Tuy giá lúa vẫn ở mức cao nhưng năng suất ít nhiều bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi. Điểm mới của vụ hè thu năm nay là Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa triển khai thí điểm giống lúa An sinh 1399 cho kết quả tương đối khả quan, mở ra khả năng thay thế cho các giống lúa lâu năm, có dấu hiệu thoái hóa.

Năng suất đạt khoảng 60 tạ/ha

Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Trường Phước, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) cho biết, 1ha lúa hè thu của gia đình bà cho năng suất 70 tạ, thấp hơn một chút so với vụ hè thu năm trước. Năm nay, vụ lúa hè thu trải qua nhiều thời điểm thiếu nước nghiêm trọng, nhất là giai đoạn đầu mùa, nông dân phải bơm tưới thường xuyên. Do đó, năng suất lúa giảm, trong khi chi phí chăm sóc nhiều hơn. Với giá bán bình quân 8.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, 1ha lúa hè thu cho nông dân thu nhập gần 30 triệu đồng.

Nông dân Ninh Hòa thu hoạch lúa hè thu.

Nông dân Ninh Hòa thu hoạch lúa hè thu.

Tại huyện Diên Khánh, ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Diên Lộc cho biết, thời vụ sản xuất gần 300ha lúa của HTX năm nay muộn hơn so với các năm. Chủ yếu là do năm nay một số thời điểm hồ Láng Nhớt bị thiếu nước dẫn đến việc tổ chức sản xuất bị đình trệ nên thu hoạch muộn. Đến nay, HTX đã thu hoạch được 217/287ha, trong khi các năm trước, thời điểm này đã thu hoạch xong. Toàn bộ diện tích lúa của HTX là lúa giống, sản xuất theo đơn đặt hàng của các công ty giống.

Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, năm nay, toàn tỉnh sản xuất 17.418ha lúa hè thu, giảm 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích giảm do một số khu vực phải tạm dừng sản xuất bởi hạn hán kéo dài, thiếu nguồn nước tưới, một số diện tích được người dân chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khác. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được gần 14.000ha, năng suất ước đạt 60 tạ/ha (vụ hè thu năm ngoái năng suất đạt 61 tạ/ha). Ngoài ra, nông dân cũng đã gieo sạ hơn 2.000ha lúa mùa, chủ yếu tập trung ở Ninh Hòa và TP. Cam Ranh. Dự kiến, năm nay, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 300ha đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang trồng cây hàng năm khác. Trong đó, Ninh Hòa chuyển đổi hơn 250ha, huyện Vạn Ninh chuyển đổi 49ha, huyện Khánh Sơn chuyển đổi gần 4,3ha. Đến nay, đã có khoảng 150ha đất trồng lúa được nông dân chuyển sang trồng sen, khoai, rau đậu các loại…

Triển vọng giống mới

Ông Nguyễn Bê (thôn Đại Tập, xã Ninh Thân, Ninh Hòa) cho biết, những năm trước, gia đình ông chủ yếu trồng lúa TH97. Năm nay, ông sử dụng 3.000m2 tham gia mô hình sản xuất giống lúa An sinh 1399 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Vụ lúa này, tình hình thời tiết không mấy thuận lợi cho cây lúa, nhiều thời điểm nắng nóng ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. Tuy nhiên, giống lúa An sinh 1399 có khả năng chống hạn tốt, cho năng suất hơn 70 tạ/ha, một số hộ lân cận năng suất còn cao hơn. Vụ đông xuân tới, ông tiếp tục trồng thử nghiệm giống lúa An sinh 1399 để đánh giá mức độ thích hợp một cách đầy đủ hơn.

Chung nhận định với ông Bê, các hộ tham gia mô hình ở xã Ninh Thân với tổng diện tích 2ha đều nhận định, giống lúa An sinh 1399 cho năng suất tốt. Tuy giá bán của lúa An sinh 1399 thấp hơn vài giá so với TH97, nhưng giống lúa mới cho khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết bất lợi tốt hơn.

Mô hình lúa An sinh 1399 tại Ninh Hòa.

Mô hình lúa An sinh 1399 tại Ninh Hòa.

Theo bà Thái Thị Tuyết - Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh chịu trách nhiệm triển khai mô hình, vụ hè thu năm nay, trung tâm triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng với giống lúa An sinh 1399 trên tổng diện tích 10ha. Trong đó, tại Ninh Hòa có 8ha ở các xã: Ninh Thân, Ninh Phú, Ninh Thọ, Ninh Sơn; tại Vạn Ninh có 2ha ở xã Vạn Thắng. Giống lúa đối chứng là ML48 tại Ninh Hòa và ML202 tại Vạn Ninh.

Qua thời gian triển khai, kết quả cho thấy, lúa An sinh 1399 cho khả năng chịu hạn và kháng sâu bệnh tốt hơn so với giống lúa đối chứng. Chẳng hạn như với giống lúa ML48, trước đây là giống chủ lực trên địa bàn tỉnh, được nông dân trồng nhiều nhờ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, canh tác. Tuy nhiên, giống lúa này đã ra đời cách đây hơn 25 năm. Nhiều nông dân sử dụng lúa năm nay để làm giống cho năm sau nên có dấu hiệu thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất và khả năng kháng sâu bệnh. Giống An sinh 1399 có thời gian sinh trưởng 90 ngày, ngắn hơn so với giống đối chứng. Suốt thời kỳ sinh trưởng, lúa An sinh 1399 không nhiễm các loại sâu bệnh thường gặp như: Đục thân, cuốn lá, đạo ôn, đốm nâu trong khi giống đối chứng bị nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh này.

Được biết, mô hình này đã được tổ công tác chuyên môn gồm cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện chính quyền địa phương Ninh Hòa và Vạn Ninh kiểm tra, đánh giá. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, lúa mô hình đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, bông lúa dài, hạt lúa sáng. Với những kết quả được ghi nhận, phân tích, mô hình đã đưa ra giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, có thể đưa vào cơ cấu sản xuất, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng lúa.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202410/tap-trung-thu-hoach-lua-he-thu-39d25d1/