Tất cả sự thật về đồng tiền ảo Pi Network đang quảng cáo tràn ngập Facebook
Cộng đồng tiền điện tử Việt Nam vừa xuất hiện một loại tiền điện tử mới mang tên Pi Network được quảng cáo tràn ngập khắp các group Faebook, vậy sự thật về Pi Network như thế nào, Pi Network có lừa đảo không?
Pi Network là gì?
Trên trang chủ, Pi được giới thiệu là một loại tiền điện tử chuyên dụng dành cho các thiết bị di động, có thể khai thác ngoại tuyến dễ dàng mà không tốn năng lượng do sử dụng giao thức đồng thuận Stellar. Tuy nhiên, chủ dự án Pi Network không công khai mã nguồn của dự án nên không ai biết họ có sử dụng giao thức đồng thuận này hay không.
Hệ sinh thái Pi Network chỉ bao gồm một ứng dụng di động dùng để đào Pi trong 24 giờ ngoài ra không có chức năng nào khác. Hành động đào Pi này thực chất mang tính phân phối bởi họ nói rằng số Pi này đã được đào từ trước đó, nghĩa là ứng dụng của bạn không chạy bất kỳ thuật toán hay giao thức đồng thuận nào cả. Số pi “đào được” sẽ giảm đi một nửa mỗi khi số người dùng của Pi tăng lên gấp mười lần. Bạn có thể tăng lượng Pi đào được bằng cách giới thiệu thêm người sử dụng Pi (mô hình tiếp thị liên kết).
Pi Network có ba người sáng lập chính bao gồm: Tiến sĩ Nicolas Kokkalis – chịu trách nhiệm kỹ thuật, Tiến sĩ Chengdiao Fan chịu trách nhiệm về sản phẩm và Vincent McPhillip lo việc quản lý cộng đồng Pi Network.
Để sử dụng ứng dụng Pi Network, bạn phải trải qua quy trình KYC (know your customer) để tránh gian lận, đồng nghĩa với việc thu thập dữ liệu của người dùng.
Điều đáng lưu ý là, ngoài việc đòi hỏi tiến hành KYC, Pi Network còn thu thập một lượng dữ liệu đáng kinh ngạc về điện thoại của người dùng như: Sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB; Đọc nội dung trong bộ lưu trữ USB; Xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi; Đọc trạng thái điện thoại và danh tính; Đọc danh bạ; Xem các kết nối Wi-Fi; Nhận dữ liệu từ Internet; Xem các kết nối mạng…
Việc thu thập dữ liệu là vô lý, bởi việc đào Pi gần như không đòi hỏi quyền nào kể trên. Hơn nữa, bản thân công nghệ Blockchain có một tiêu chí quan trọng là ẩn danh, rõ ràng là dự án Pi Network đi ngược lại tiêu chí này. Lượng dữ liệu mà Pi Network thu thập có thể đem lại giá trị rất lớn cho các nhà sáng lập dự án nếu họ bất chấp quyền riêng tư của người dùng đem bán cho bên thứ ba.
Trong khi đó, Pi Network không đem lại bất kỳ giá trị nào. Bạn không có gì để làm khi sử dụng ứng dụng Pi Network ngoài click vào nhận Pi mỗi 24 giờ. Thật khó hiểu khi cho rằng hành động này có thể đem lại giá trị gì đáng kể. Tuy rằng Pi Network đang kêu gọi xây dựng ứng dụng dựa trên nền tảng Pi Network nhưng bản thân nền tảng này không có tác dụng gì nhiều cho cả nhà phát triển lẫn người dùng. Với một nguồn cung lớn và không có bất kỳ trường hợp nào sử dụng Pi, giá trị của Pi có thể vĩnh viễn bằng không.
Ngoài ra, mặc dù nhấn mạnh bằng cấp của những nhà sáng lập, nhưng bản thân dự án lại không cung cấp mã nguồn công khai, White Paper của Pi Network cũng không cung cấp thông tin kỹ thuật nào mà chỉ mô tả những dự định của họ đối với dự án. Thậm chí chúng ta còn không biết rõ Blockchain của Pi Network có tồn tại hay không.
Giá trị của Pi Network vẫn bằng 0 song các nhà sáng lập đã bắt đầu thu lợi nhuận bằng cách chạy quảng cáo khi khởi động ứng dụng. Kết hợp lại lượng dữ liệu mà họ thu thập được thì đây là một khoản thu nhập đáng kể. Điều này có nghĩa là Pi Network không cung cấp gì giá trị cho người dùng mà chính người dùng cung cấp giá trị cho họ
Vậy dự án Pi Network có lừa đảo hay không? Mặc dù có rất nhiều nghi vấn kể trên, nhưng Pi Network không kêu gọi đầu tư nên khó có thể coi đây là một dự án lừa đảo. Khả năng cao Pi là một loại tiền điện tử vô giá trị do đây là một dự án chỉ có vỏ bọc để khai thác thông tin người dùng. Dữ liệu của người dùng có thể bị sử dụng vào mục đích xấu, không thể kiểm soát được.
Có thật đào tiền ảo chỉ có "được", không "mất"?
Lợi dụng thời gian mọi người rảnh rỗi vì dịch bệnh và nghỉ Tết, nhiều dự án đào tiền ảo trên điện thoại đã mọc lên như nấm với những lời quảng cáo hấp dẫn.
Bằng một chiếc smartphone, người dùng chỉ việc tải ứng dụng về và sau đó máy sẽ tự động đào không tốn pin, theo lời quảng cáo của đội nhóm phát triển những đồng tiền ảo này. Các đồng tiền ảo được tải khá nhiều trên Play Store cũng như App Store, nhờ lôi kéo được người tham gia theo kiểu ‘seeding’ trong các hội nhóm về tiền ảo trên mạng xã hội, tức người vào trước kêu gọi người vào sau nhập mã để cùng đào.
Được giới thiệu từ năm 2019, Pi Network có giao dịch nội bộ đầu tiên vào năm 2020. Nhiều người nắm giữ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn Pi trong ví ảo đang chờ đồng tiền này lên sàn. Pi Network hiện có hơn 10 triệu lượt tải ứng dụng này trên Play Store (chưa tính App Store) và nhà phát triển cho biết họ có khoảng 12 triệu thợ đào. Tuy nhiên, tổng khối lượng Pi Coin và khối lượng giao dịch hàng ngày lại không được tiết lộ.
Cách thức đào đồng tiền này được giới thiệu là vô cùng đơn giản, chỉ cần dùng điện thoại và không cần kết nối. Nhưng mô hình người trước giới thiệu người đến sau có thể khiến nhiều người hình dung đến mô hình đa cấp, dù Pi Network luôn nhấn mạnh với người tham gia là không tốn gì cả.
Thực tế, việc người dùng cung cấp thông tin qua quá trình cài đặt và đăng ký Pi Network đã là một mất mát. Tốn thời gian và công sức cũng là một dạng tốn kém dễ bị nhiều người bỏ qua. Chưa kể hiện Pi Network mới đang trong quá trình thử nghiệm và để giao dịch được, người dùng phải trải qua hai bước xác minh danh tính (know your customer) và xác thực giao dịch (in app transfer), nơi người dùng tiếp tục cung cấp thông tin cá nhân quan trọng khác.
Sau Pi Network, hai đồng tiền ảo khác là Bee Network và Timestope cũng bắt đầu dụ dỗ người tham gia với cùng chiêu bài miễn phí, hệ phân quyền phi tập trung và đào không mất gì bằng điện thoại. Các coin này đều phát hành sách trắng nói về tầm nhìn, tham vọng thay đổi thế giới với hàng triệu người dùng đã tham gia mà rất khó để kiểm chứng.
Những đồng tiền mới nổi này hỗ trợ đầy đủ cho người Việt và bắt đầu xuất hiện dày đặc theo chu kỳ đến hẹn lại lên, ăn theo sự tăng giá bất thường của Bitcoin hàng năm. Những bài đăng trên các hội nhóm về tiền ảo không trực tiếp dụ dỗ người tham gia, nhưng tạo ra tranh luận khiến nhiều người tò mò.
Có ba bước rất cơ bản để một đồng tiền ảo ra mắt công chúng. Bước đầu là giới thiệu thuật toán để mời gọi người tham gia, bước hai cho phép đào đến số lượng coin nhất định và cuối cùng là lên sàn giao dịch. Tất nhiên, đảm bảo ba bước này không có nghĩa là một đồng tiền ảo sẽ chắc chắn thành công như Bitcoin. Thực tế, theo Coinmarketcap, có hơn 8.400 đồng tiền ảo trên thị trường, nhưng chiếm phần lớn là các đồng tiền ảo có giá trị chưa đến 0,1 USD do nguồn cung cầu chênh lệch nhau dẫn đến không thể tạo lập được giá trị thật sự. Không như Bitcoin, nhiều coin cỏ (altcoin) khi mới lên sàn tăng vọt giá trị rất nhanh do các “cá mập” thao túng thị trường, sau đó xuống đáy và bị loại khỏi sàn. Bốn đồng tiền ảo là Blockmason Credit Protocol, CyberMiles, Time New Bank và Vibe đã bị đẩy khỏi sàn theo cách đó.
Điều đó đồng nghĩa với việc, tiền ảo thế hệ mới hay tiền ảo đào trên điện thoại không phải một sự đảm bảo chắc chắn 100% thành công. Trước khi tham gia, người dùng cần đặt những câu hỏi hết sức cơ bản như liệu bản thân sẽ được gì và mất gì khi đào những đồng tiền này?
Với việc cài một ứng dụng bất kỳ lên điện thoại Android, người dùng đã mặc nhiên cấp quyền truy cập vào smartphone và để ứng dụng đó thu thập thông tin gửi về máy chủ. Không phải ngẫu nhiên mà thỉnh thoảng Google vẫn gỡ bỏ nhiều ứng dụng khỏi Play Store vì lý do thu thập thông tin trái phép của người dùng hay chứa mã độc.
Việc người dùng cho rằng bản thân không mất gì khi có người đã bỏ công sức sáng tạo ra đồng tiền ảo chính là một cái bẫy. Hàng triệu người dùng ứng dụng không rõ nguồn gốc chính là nguồn nuôi sống ứng dụng đó chứ không phải tiền ảo được tạo ra hay các giá trị được những người sáng tạo tiền ảo đó vẽ ra.
Pi Network có lừa đảo không?
Một đồng tiền ảo sẽ là lừa đảo khi dụ dỗ người tham gia bỏ tiền vào một sàn ảo với cam kết lãi suất xx% theo tháng. Đây là mô hình Ponzi (hay mô hình kim tự tháp) lấy của người đến sau trả cho người vào trước từng bùng nổ vào năm 2017 với đủ loại coin đa cấp như iFan, Pincoin hay BitConnect. Mô hình lừa đảo sẽ sụp đổ khi người sáng lập bỏ của chạy lấy người, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là sập sàn. Thực tế, cho dù sàn không sập, những đồng tiền ảo lừa đảo không có tính thanh khoản thậm chí còn không bằng giấy vụn. Nó vô giá trị bởi không ai mua bán trao đổi, nhà đầu tư và người đào coin sẽ mất trắng.
Chưa thể khẳng định Pi Network có phải mô hình lừa đảo hay không. Nhưng bất cứ đồng tiền ảo nào đều không thể cam kết đổi được tiền ảo lấy tiền thật hoặc hàng hóa, do đó người tham gia phải cân nhắc khi đầu tư thời gian, công sức hay tiền bạc vào bất cứ loại tiền ảo nào.
Pi Network đã bị nhiều chuyên gia vạch trần ra nhiều điểm đáng ngờ như đòi hỏi nhiều quyền riêng tư trên điện thoại, không công khai mã nguồn cùng những lời hứa hẹn sẽ lên mainnet từ năm này qua năm khác. Mainnet là quá trình mà ở đó giao thức blockchain đã được phát triển hoàn chỉnh khi các giao dịch tiền ảo được xác thực và ghi lại trên sổ cái phi tập trung. App PI giống như đồng hồ hiển thị số mà người dùng tưởng là tiền. Giới cầm cái đang tìm cách quảng bá tính ưu việt của Pi là không mất gì mà kiếm được nhiều tiền, và tìm cách chặn các thông tin về bản chất lừa đảo của tiền ảo PI.
Bất chấp những cảnh báo liên tục thời gian gần đây, nhóm Pi Network vẫn đang hoạt động sôi nổi với hơn 123.000 thành viên người Việt. Nhiều người còn chia sẻ việc KYC và thực hiện các khảo sát hàng ngày, vốn dĩ chính là dùng thông tin cá nhân để đổi lấy giá trị ảo.