Tết Kin khẩu mấu và làn điệu Phong Slư trên cao nguyên

Cộng đồng người Tày sinh sống ở thị trấn Phú Thiện đã hơn 30 năm nhưng vẫn gìn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của dân tộc mình. Theo dòng chảy thời gian cùng với sự giao thoa cộng hưởng, nét văn hóa đặc trưng của người Tày đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần trên quê hương mới.

Độc đáo Tết cơm mới

Ông Mã Văn Chức-Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương người Tày ở huyện Phú Thiện-cho biết: “Ngoài các ngày Tết chung của dân tộc (Nguyên đán, Thanh minh, Đoan ngọ…), hầu hết những tháng Âm lịch còn lại trong năm, người Tày đều có ngày Tết riêng. Có thể không mâm cao cỗ đầy song nét đẹp truyền thống của dân tộc mình luôn được chúng tôi gìn giữ”. Trong đó, đáng chú ý là Tết Khoăn vài có nghĩa là vía trâu (ngày 6 tháng 6 Âm lịch) và Tết Kin khẩu mấu hay còn gọi là Tết ăn cơm mới, Tết rửa liềm (có nơi chọn ngày 10 tháng 10 Âm lịch nhưng cũng có gia đình tổ chức đón Tết vào ngày 23 tháng 10 Âm lịch). Văn hóa của người Tày gắn liền với nông nghiệp. Vậy nên những ngày Tết này đều mang hàm ý cảm tạ vật nuôi, nông cụ và đất trời đã ban cho mùa màng tươi tốt”.

Trong mâm cỗ ngày Tết của người Tày không thể thiếu bánh giầy, bánh gai, bánh tro, bánh chưng, xôi ngũ sắc… Nhiều gia đình còn đưa giống nếp Quýt đặc trưng của vùng đất Tây Bắc vào trồng chỉ để lấy gạo làm bánh vì độ dẻo, thơm. Chị Nông Thị Nga (tổ 8, thị trấn Phú Thiện) chia sẻ: “Ngày Tết chỉ cần nhìn mâm bánh đủ biết sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ trong gia đình. Mâm cỗ không chỉ tỏ rõ sự thành kính với ông bà, tổ tiên mà còn là sự biết ơn của gia chủ với vật nuôi, nông cụ và mong mỏi về những mùa vụ tiếp theo”.

Chị Nông Thị Nga chuẩn bị nguyên liệu làm bánh giầy lá ngải cứu. Ảnh: Phương Dung

Chị Nông Thị Nga chuẩn bị nguyên liệu làm bánh giầy lá ngải cứu. Ảnh: Phương Dung

Đón Tết cơm mới năm nay, gia đình chị Nga chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để gói bánh tro và bánh giầy. Với quan niệm bánh không chỉ đẹp mà còn phải ngon và tốt cho sức khỏe nên chị Nga đã lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất có thể như: cùi bắp, vỏ đậu nành, hạt tiêu lép đốt lên thành tro, sau đó nấu sôi, chắt lấy nước trong đem ngâm với gạo nếp. “Tro sẽ quyết định màu của bánh. Tro của hạt tiêu lép và cùi bắp, vỏ đậu nành cho màu vàng đẹp, vị thơm. Nếu gói bánh mang đi biếu tặng trong ngày Tết, tuyệt đối không dùng vỏ của đậu xanh, đậu đen để đốt làm tro vì khi làm thành bánh sẽ cho màu tối, không bắt mắt. Hơn nữa, lá gói bánh nhất định phải là lá tre không non cũng không già để vừa tạo thêm màu và độ bóng cho bánh, vừa không bị dính khi bóc ăn. Bánh tro khá nhỏ nhưng muốn bánh dẻo, thơm cần phải nấu 8-10 giờ liền”-chị Nga cho hay.

Xong món bánh tro, chị Nga tiếp tục làm bánh giầy lá ngải cứu. “Lá ngải cứu rất tốt cho sức khỏe, nhất là người lớn tuổi và người làm việc nặng. Ăn bánh lá ngải cứu có thể đỡ đau mỏi, giúp ngủ sâu giấc”-chị Nga lý giải. Công đoạn để hoàn thành chiếc bánh giầy lá ngải cứu cũng khá công phu. Đầu tiên, chị Nga lựa chọn những lá ngải cứu non, rửa sạch để ráo nước. Khi nước trên bếp đã đun sôi thì cho lá ngải cứu vào nấu 40-50 phút rồi vớt ra, vắt khô nước, đem sao vàng rồi trộn đều với gạo nếp và đồ thành xôi, sau đó mới đưa đi giã nhuyễn, làm thành bánh và sửa soạn bày lên mâm cúng.

Thay vì làm những chiếc bánh cầu kỳ như mọi năm, Tết cơm mới năm nay, gia đình bà Nông Thị Đạ (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) chỉ gói vài chiếc bánh chưng. Bà bộc bạch: “Ban đầu, tôi định nấu thêm xôi ngũ sắc nhưng rồi các con đều bận rộn, đứa lại đi làm xa không về được do dịch nên giản lược bớt”. Theo bà Đạ, vào ngày Tết cơm mới, nếu ăn xôi ngũ sắc sẽ gặp nhiều may mắn. Để hoàn thành một mâm xôi với đủ các màu đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Cũng như bao người Tày trên vùng đất mới, bà Đạ vẫn luôn tin khi ăn Tết cơm mới không nên làm rơi vãi, phải trân trọng từng hạt thì vụ mùa năm sau mới lại bội thu.

Say làn điệu Phong Slư

Nhắc về loại hình văn hóa đặc sắc của người Tày, nhiều người nghĩ ngay đến hát then, đàn tính. Then là điệu hát của trời (then trong tiếng Tày là trời), còn đàn tính là cầu nối giữa con người với thần linh. Năm 2019, thực hành then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện: Thị trấn hiện có gần 400 hộ dân tộc Tày sinh sống. Cộng đồng người Tày đã gìn giữ, phát huy nhiều nét văn hóa đặc trưng. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn cùng giao lưu văn hóa đã góp phần làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú.

Ngoài hát then, đàn tính, người Tày còn nổi tiếng với loại hình thơ ca dân gian độc đáo là hát làn điệu Phong Slư (phảng lài). Lời thơ cho mỗi bài Phong Slư phụ thuộc vào sự sáng tạo của mọi người nên không giới hạn độ ngắn, dài mà được chia theo khổ, 1 khổ có 4 câu. Ông Chức cho hay: Làn điệu Phong Slư trước đây thường được các đôi lứa hát để nói thay nỗi lòng nhớ nhung, giận hờn, trách móc và gửi gắm niềm tin về cuộc sống mai sau... Ngày nay, đề tài để hát điệu Phong Slư đã phong phú, mỗi người có thể tự sáng tác lời mới để ngợi ca những thành quả trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới… Minh chứng cho những điều vừa nói, ông Chức nhẹ nhàng ngâm những câu thơ do chính mình sáng tác bằng làn điệu Phong Slư: “...Lúa ngập đồng xanh tốt bội thu. Làng bản rộn tiếng ca mãi mãi. Chị em ta hăng hái tham gia. Góp phần xây nước nhà giàu mạnh. Ngàn hoa thơm dâng Đảng-Bác Hồ. Tỏa thơm ngát bốn mùa xuân mới”.

Chị Hoàng Thị Oanh và ông Mã Siêu biểu diễn làn điệu Phong Slư nói về nông thôn đổi mới. Ảnh: Đinh Yến

Chị Hoàng Thị Oanh và ông Mã Siêu biểu diễn làn điệu Phong Slư nói về nông thôn đổi mới. Ảnh: Đinh Yến

Làn điệu Phong Slư sẽ sâu lắng hơn khi kết hợp với tiếng sáo. Vậy nên, khi nghe ông Chức ngâm nga làn điệu Phong Slư, ông Mã Siêu (tổ 5, thị trấn Phú Thiện) ngồi bên cạnh liền hòa bằng tiếng sáo. Ông Siêu trải lòng: “Mỗi khi nhớ quê, tôi lại mượn tiếng sáo để gửi gắm lòng mình. Hơn 30 năm qua, cuộc sống có quá nhiều thứ thay đổi nhưng tôi luôn gìn giữ bản sắc và hy vọng thế hệ con cháu phát huy để các làn điệu sẽ có sức sống lâu bền trên vùng đất mới”. Với niềm mong mỏi ấy, cộng đồng người Tày ở thị trấn Phú Thiện đã thành lập đội văn nghệ với hơn 20 thành viên. Chị Hoàng Thị Oanh (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) cho biết: “Vào những dịp lễ, Tết, chúng tôi lại có dịp gặp gỡ, ôn lại các làn điệu dân ca. Mỗi lần cất lên tiếng hát, chúng tôi lại thêm tự hào về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.

Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình ở vùng đất mới cũng là cách để mỗi người Tày vọng cố hương. Ông Chức trải lòng: “Tôi mong muốn các thế hệ mai sau nhớ đến cội nguồn, quê hương, giữ gìn vốn quý của dân tộc mình. Cũng mong chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Tày có được sân chơi bổ ích, phát huy làn điệu văn hóa, văn nghệ của cha ông để lại”.

PHƯƠNG DUNG - ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/721/202202/tet-kin-khau-mau-va-lan-dieu-phong-slu-tren-cao-nguyen-5765476/