Tết run rẩy trên Putaleng
Năm ngoái, giữa đợt rét kỷ lục trong suốt 10 năm qua ở miền Bắc, chúng tôi leo ngược con dốc cao hơn 1km, vượt 36 km đường rừng núi trong cơn mưa rả rích để cùng nhau đón Tết Dương lịch 2019 trên đỉnh Putaleng, ngọn núi cao thứ ba Việt Nam.
Vượt qua con dốc 1.000 mét
Từng có kinh nghiệm leo một vài đỉnh núi cao nhất ở Tây Bắc như Fanxipan hay Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai) nhưng chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng khi đang sắp xếp đồ cho chuyến leo đỉnh Putaleng (cao 3.049 mét, đứng thứ ba Việt Nam, xếp sau Fanxipan và Pusilung) thuộc địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dịp tết Dương lịch 2019 thì nghe đài, báo loan tin mưa rét đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua ở miền Bắc.
Tây Bắc chính là nơi giá lạnh nhất của miền Bắc, nơi nhiệt độ thường thấp hơn vùng đồng bằng từ 5-8 độ C. Ở các đỉnh núi cao nhất của khu vực này, chốn rừng thiêng nước độc, nhiệt độ còn xuống thấp hơn từ 5-6 độ C nữa.
Nhưng chương trình đã định từ nhiều tháng trước nên dù mưa rét đến mấy, chúng tôi cũng phải xách ba lô lên mà đi.
Trời Hà Nội lất phất mưa, chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Putaleng từ... bến xe Mỹ Đình lúc 22h. Quãng 5 giờ sáng hôm sau, xe đưa chúng tôi tới bản Pho, xã Hồ Thầu, Tam Đường, Lai Châu. Từ quốc lộ 4D, anh em lấy đồ, đi bộ vào bản, cách đường hơn 1km trong đêm. Trời rét đậm nhưng cuốc bộ với ba lô nặng trên vai làm cơ thể nóng dần đều khiến chúng tôi bớt dần nỗi ám ảnh về trận rét lịch sử.
Vào tới giữa bản, chúng tôi ghé nhà của porter (người địa phương dẫn đường), ăn cơm sáng cho chắc dạ trước khi khởi hành leo lên đỉnh từ độ cao khoảng 1.160 mét. Đường leo núi bắt đầu phía sau một... cái chuồng trâu, men theo cống dẫn nước của đồng bào Dao. Sau khoảng 2km đường tương đối bằng phẳng, những lòng suối cạn lổn nhổn đá tảng bắt đầu hiện ra và trập trùng rừng xanh, dây leo đón bước chân đoàn leo núi.
Men theo suối, đoàn chậm rãi vượt qua những con dốc để lên được độ cao khoảng 1.500 mét. Từ đây, con dốc cực khủng với độ cao khoảng 1.000 mét, bằng 3 tòa nhà Keangnam Landmark 72, cao nhất Hà Nội - là chướng ngại mà chúng tôi phải vượt qua. Ai từng leo núi Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai) chắc cũng rất ngán 2 con dốc từ độ cao 1.600 mét lên núi Muối ở 2.100 mét nhưng độ gắt chưa là gì so với dốc 1.000 mét của Putaleng.
Ở đây dốc đứng liên tục, không có đoạn nào bằng phẳng để nghỉ chân. Lối leo lên rất hẹp, nhiều đoạn chỉ rộng 30 cm, một bên là vực sâu không đáy. Khác với đỉnh Fanxipan, nơi có “hạ tầng” tương đối tốt với những đoạn khó leo đều có sự hỗ trợ nhân tạo, đường leo ở Putaleng là “nguyên bản”, chưa có tác động của con người, không bậc, không đục đẽo, chỉ bám rễ cây mà leo lên.
Mất mấy tiếng đồng hồ leo trong trạng thái thở hắt ra, tim đập thình thịch nghe rõ từng nhịp, chúng tôi lên tới đỉnh dốc ở độ cao hơn 2.500 mét thì người dẫn đường lại chỉ phải tụt ngay xuống cái vực sâu hơn hơn 100 mét để tới lán nghỉ đêm ở 2.400 mét. Kiệt quệ về thể lực, cơ thể như cái bình rỗng không và đúng lúc cơn mưa rừng kéo tới khiến chúng tôi cảm thấy không thể bước thêm.
Nghỉ nhanh vài phút, tiếng hú của người dẫn đường phía trước đã thúc đẩy chúng tôi vượt qua chính mình, lò dò trèo xuống vực mất chừng 30 phút nữa để tới được lán nghỉ ở độ cao 2.400 mét. Vừa chui vào lán, cơn mưa lớn trút xuống ào ào khiến tất cả những người đi sau không kịp vào lán đều ướt như chuột. Nỗi khổ ải của mưa rét thực ra mới chỉ bắt đầu vì mưa còn kéo tới hết ngày hôm sau.
Chinh phục đỉnh Putaleng
Kèm theo mưa, nhiệt độ tụt xuống rất thấp. Thực phẩm mang theo không sợ hỏng, đùi gà để tơ hơ cả ngày vẫn thơm như thường nhưng một số người thể lực kém bắt đầu có dấu hiệu không chịu đựng nổi. Một thành viên người Cà Mau trong đoàn leo núi bị sốc nhiệt, “bò” tới được lán là chui ngay vào quấn chăn nằm run bần bật, rét tới mức không nói chuyện được và tối không ăn nổi cơm.
Khổ, người miền Nam quanh năm ấm áp, sao biết được rét lịch sử 10 năm ở vùng cao Tây Bắc là thế nào! Bữa cơm tối qua nhanh vì trời quá lạnh, không thể ngồi lâu. Nhiều người còn phải quấn chăn ngồi ăn cho đỡ lạnh. 20h, cả đoàn vội chui vào chăn ngủ để lấy sức hôm sau “lên đỉnh”.
Lán ngủ đêm ở Putaleng khá rộng, được ghép bằng ván gỗ thô, có chỗ tay đút lọt qua khe. Lán có trải bạt chống nước, chăn bông. Nam nữ được bố trí ăn ngủ chung trên cùng mặt sàn. Lán cũng có khu vệ sinh quây bạt riêng bên ngoài, thoải mái giải quyết “đầu ra” một cách lịch sự.
Đêm nằm trong lán, nghe gió hú ào ào bên ngoài và mưa rơi lộp độp trên mái bạt, cảm giác lo lắng lại dâng lên vì... rét quá, đã mặc tất cả quần áo mang theo, lại thêm chăn quấn quanh người mà đêm ngủ không khỏi chập chờn, cứ một lúc lại giật mình tỉnh giấc... Hơn 5 giờ sáng, trời còn tối đen, cả đoàn bắt đầu lục tục thức dậy ăn sáng, chuẩn bị đồ đạc chinh phục đỉnh cao 3.049 mét. Để chống lại cái lạnh tê tái lúc ban mai ở rừng, chúng tôi đều uống trà gừng làm ấm cơ thể.
Còn tới gần 700 mét độ cao phải leo nhưng hóa ra đoạn sau lại dễ hơn đoạn trước. Dốc vẫn cao nhưng độ gắt giảm đi nhiều, có thêm nhiều đoạn đi ngang. Tệ hại là những cơn mưa liên tiếp làm lối mòn nhão nhoét, trơn như mỡ. Nhiều đoạn trong rừng trúc, bùn ngập trên mắt cá chân. Nước mưa ngấm từ trong ra ngoài nên không ai dám dừng lại nghỉ lâu vì chỉ đứng lại 5 phút là cả người lạnh toát.
Đặc trưng của Putaleng là quá nhiều suối, lại trong cơn mưa nên ẩm ướt kinh khủng, cả khu rừng âm u, mù mịt bốc hơi như trong một thế giới khác khiến chúng tôi thấy rờn rợn. Đường đi nhiều đoạn bị cây cối phủ kín, chỉ còn dòng suối nhỏ ở giữa.
Người đi phải vạch lá chui qua và liên tiếp nhảy qua các mỏm đá đầy rêu trơn nhẫy nên rất sợ lạc và bị ngã. Thời tiết quá khắc nghiệt nên có vài người cảm thấy không đủ sức lên đỉnh đã chấp nhận bỏ dở hành trình, quay lại lán nghỉ...
Vượt qua tất cả, khoảng 9h30, chúng tôi chạm cột mốc 3.049 mét trên đỉnh Putaleng. Cái lạnh trên đỉnh núi lúc này thật ghê gớm khi không còn rừng cây che chắn, lại được “bồi thêm” bởi sương mù đậm đặc và gió rít ù ù bốn phía, xuống còn khoảng 4-5 độ C.
Tay tháo găng ra chỉ 1 phút là các khớp sưng phồng, đỏ như tôm luộc vì cước. Điện thoại iPhone 7 của một thành viên trong đoàn vừa bỏ ra khỏi túi định chụp ảnh cũng sập nguồn vì lạnh. Không ai có thể đứng yên một chỗ, phải vận động liên tục để chống lại cái rét cắt da cắt thịt...
Trong lúc chờ đợi nhóm bạn lên sau, chúng tôi chào năm mới 2019 bằng thử thách chống đẩy, cũng là để chống lạnh. Nguyễn Thành Nam, chàng trai sinh năm 1994, đến từ Quảng Bình đã thắng cuộc với gần 60 cái. Dẫu vậy, sau chừng 20 phút, chúng tôi cũng đành thua cái lạnh khủng khiếp ở độ cao 3.049 mét, chào tạm biệt đỉnh Putaleng để rút về lán nghỉ ở 2.400 mét.
Ấn tượng rừng nguyên sinh trăm năm tuổi
Đường xuống dễ dàng hơn rất nhiều dù vẫn trong cảnh mưa dầm, bùn lầy. Gần trưa, chúng tôi đã trở về tới lán. Ăn trưa xong, đoàn không quay lại đường cũ mà xuống núi bằng đường qua bản Tả Lèng.
Lúc này, mưa gần như tạnh hẳn, chúng tôi không còn vội vã nữa mà thảnh thơi vừa đi vừa ngắm vẻ đẹp kỳ bí của khu rừng nguyên sinh chìm đắm trong màn sương mù dày đặc.
Giữa những vạt rừng đỗ quyên hàng trăm năm tuổi, rêu phong cổ kính, chen lẫn vài cây phong đỏ cao lừng lững, chúng tôi cứ mải miết nương theo dòng suối cạn mà đi. Rừng sâu lúc này không có âm thanh gì khác ngoài tiếng suối róc rách, tiếng cây cối thì thào, thi thoảng vài tiếng chim, thú lảnh lót gọi nhau làm chúng tôi như bừng tỉnh, thoát khỏi không gian ma mị, đậm chất liêu trai...
Cả đoàn cứ miên man trong khung cảnh kỳ thú như thế cho tới khi vượt qua những nương thảo quả, rồi tới vài vạt rừng thưa, trước khi lối mòn ngày càng rộng ra, rộng ra... Cuộc chinh phục đỉnh Putaleng kết thúc khi chúng tôi tới được cây cầu treo bắc qua dòng suối lớn - dấu hiệu của cuộc sống hiện đại đã quay trở lại!
Tạm biệt Putaleng, chúng nghĩ sẽ còn quay lại vùng đất đẹp đẽ này của Tổ quốc và tất nhiên, đó sẽ là một ngày nắng đẹp để “săn” biển mây và ngắm rừng phong lá đỏ rực rỡ khi bình minh lên... Dù vậy, đợt chinh phục đỉnh Putaleng trong cái rét lịch sử 10 năm dịp tết Dương lịch 2019 cũng để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu đậm không thể nào quên. Một cái tết khác biệt và vô cùng đáng nhớ!
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/25_tet-run-ray-tren-putaleng-577164/