Tết Thanh minh - nét đẹp văn hóa của người Việt

Tết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông. Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết của một năm và Tết thanh minh là ngày đầu tiên của Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày. Từ xa xưa, Tết Thanh minh đã trở thành ngày lễ có ý nghĩa quan trọng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam, bởi Tết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên. Dù đi xa công tác, lập nghiệp… thì vào ngày này, mọi người trong gia đình cùng tụ họp đi tảo mộ, sau đó về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình, trò chuyện bên nhau để gắn kết thêm tình nghĩa trong gia đình.

Những giỏ hoa quả là mặt hàng được đông người dân đặt mua thắp hương dịp Tết thanh minh

Những ngày này, trên khắp đường làng ngõ xóm đến nghĩa trang của thôn Lạc Dục, xã Đức Thắng (Tiên Lữ) luôn nhộn nhịp, đông vui. Ông Bùi Ngọc Sơn - một người cao tuổi của dòng họ Bùi thôn Lạc Dục cho biết: Vào dịp này, ở quê ông đông vui, nhộn nhịp hơn cả dịp Tết Nguyên đán vì tất cả các dòng họ trong thôn đều tổ chức ngày Tết Thanh minh. Do họ Bùi có nhiều người đi công tác, đi làm xa, nên dòng họ đã quy ước, nếu ngày Tết Thanh minh vào chủ nhật sẽ tổ chức đúng ngày, còn nếu vào ngày giữa tuần thì sẽ tổ chức vào ngày chủ nhật ngay trước ngày thanh minh. Vào ngày đó, con cháu dù bận công việc gì thì đều có thể trở về với gia đình, với dòng họ. Sau tiếng chuông ngân vang là nghi lễ con cháu trong dòng tộc tập trung theo đoàn ra khu lăng mộ của dòng họ để vệ sinh và thắp hương khấn lễ. Sau đó sẽ tập trung tại nhà thờ họ để nghe trưởng họ báo cáo, đánh giá những việc đã làm được, biểu dương những tấm gương đạt thành tích tiêu biểu trong học tập và công tác cũng như lên kế hoạch triển khai những việc cần làm thời gian tới. Kết thúc ngày Tết Thanh minh của dòng họ là bữa liên hoan ngập tràn trong những lời chúc tụng vui vẻ.

Vừa nhanh tay dọn dẹp phần mộ tổ tiên của dòng họ tại nghĩa trang thôn Đặng Cầu, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), ông Trần Văn Của (hiện đang sinh sống tại thành phố Hà Nội) tâm sự: Tôi đã xa quê Đặng Cầu hơn 40 năm, nhưng dù công việc có bận rộn đến đâu thì hằng năm vào dịp tiết thanh minh, gia đình tôi đều thu xếp công việc để về quê để cùng anh em, con cháu đi sửa sang, thắp nén nhang trên các phần mộ ông bà, tổ tiên, đồng thời cũng là để nhắc nhở, giáo dục truyền thống về nguồn cội của mình cho con cháu lớp sau, rồi cùng nhau sum họp đầm ấm bên mâm cơm với người thân trong gia đình.

Quan sát tại nghĩa trang thôn Đặng Cầu, những ngày này luôn nhộn nhịp tiếng nói của người dân đến thắp hương, tảo mộ. Không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng được gia đình đưa đi nhằm nhận biết phần mộ tổ tiên, của gia đình mình cũng như học hỏi về các nghi lễ truyền thống trong dịp Tết Thanh minh. Cháu Trần Văn Ngọc, 12 tuổi, đang sinh sống ở Hải Dương được bố mẹ đưa về quê cùng gia đình bộc bạch: Đã từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp Tết Thanh minh là cháu được bố mẹ cho về quê để đi tảo mộ cùng gia đình, vừa đi vừa được nghe các ông, các bác kể chuyện về quê hương, về truyền thống của dòng họ, gia đình cũng như được giáo dục về nguồn cội của mình, cháu rất vui. Cháu hứa với tổ tiên sẽ chăm ngoan, học giỏi để trở thành một người có ích xây dựng quê hương.

Tùy theo phong tục ở mỗi địa phương, mâm cúng tại phần mộ hay tại gia đình, nhà thờ họ được chuẩn bị khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là mâm ngũ quả hoặc mâm cơm cúng với các món ăn phổ biến, bình dị ở mỗi làng, sau đấy cùng nhau ăn uống sum vầy chứ không mở tiệc linh đình. Ông Trần Văn Tân, thôn Đặng Cầu chia sẻ: Đã thành tục lệ, vào Tết Thanh minh là dòng họ chúng tôi lại đi tảo mộ. Họ Trần chúng tôi chia làm ba chi. Mỗi năm một suất đinh của từng chi lại đứng lên làm cơm một lần để cúng tổ tiên cũng như để con cháu quân quần bên nhau. Đây là dịp để con cháu gặp mặt cũng như ôn lại truyền thống của dòng họ.

Tết Thanh Minh hằng năm là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với tổ tiên, ông bà, là một nét đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ, bởi nó không chỉ nhắc nhở con cháu lòng biết ơn đối với người đã khuất mà còn là “chất keo” kết dính các thành viên trong gia đình với nhau, nhắc nhau biết yêu thương, hòa thuận với anh em, hiếu thảo với cha mẹ, biết nâng niu và trân trọng hạnh phúc gia đình mình đang có. Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng những giá trị văn hóa này vẫn luôn được người dân giữ gìn để nhân lên những điều tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Phương Minh – Kiên Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202304/tet-thanh-minh-net-dep-van-hoa-cua-nguoi-viet-6fb0510/