Thái Nguyên tăng cường liên kết vùng để khôi phục du lịch

Thúc đẩy các mô hình liên kết là một trong những giải pháp để Thái Nguyên nắm bắt thời cơ và khôi phục du lịch sau 2 năm đóng băng. Những năm qua, Thái Nguyên đã tích cực tham gia và thể hiện vai trò quan trọng trong mô hình hợp tác 'Qua những miền di sản Việt Bắc'.

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” là cơ chế liên kết, hợp tác quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. Đây cũng là cầu nối giúp các doanh nghiệp mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch Việt Bắc với cả nước. Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 12. Năm 2022, Thái Nguyên tiếp tục tham gia tích cực vào chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 13 do Hà Giang đăng cai, mở màn bằng "Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022" vừa diễn ra từ 15 - 17/4 tại Hà Nội.

Đại biểu và du khách tham quan gian hàng Thái Nguyên tại "Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022".

Đại biểu và du khách tham quan gian hàng Thái Nguyên tại "Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022".

Tại lễ khai mạc "Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022", ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, xét về các di sản và tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch, 6 tỉnh Việt Bắc có tiềm năng không thua kém khu vực nào tại Việt Nam. Sự liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc với Hà Nội sẽ tạo nên thế mạnh tổng thể phát triển du lịch cả vùng. Sự phục hồi du lịch của 6 địa phương Việt Bắc và Hà Nội đồng thời tác động lan tỏa, thúc đẩy du lịch của các địa phương lân cận cũng như các liên minh, liên kết vùng khác phát triển.

Theo ông Lê Ngọc Linh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, năm 2022 Thái Nguyên tham gia chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 13 - Hà Giang nhằm hưởng ứng mở cửa lại hoạt động du lịch, tăng cường xúc tiến, kích cầu du lịch đến với vùng Việt Bắc sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Bên cạnh đó, Thái Nguyên tăng cường hợp tác phát triển du lịch; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua tổ chức sự kiện chung, tầm cỡ khu vực, gắn kết, lồng ghép với các chuỗi sự kiện của các địa phương, thu hút sự quan tâm của các đơn vị truyền thông, du khách, các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư. Đồng thời, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Trong khuôn khổ "Tuần Văn hóa du lịch Việt Bắc tại Hà Nội năm 2022", tỉnh Thái Nguyên đã quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, thông tin về điểm đến cũng như lòng mến khách tới đông đảo người dân Thủ đô và du khách; thông qua các tiết mục nghệ thuật, triển lãm ảnh và gian hàng văn hóa, du lịch, sản phẩm địa phương. Tại gian hàng Thái Nguyên, khách tham quan đã được giới thiệu về các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu văn hóa trà và các điểm đến du lịch hấp dẫn.

Dự kiến vào trung tuần tháng 7/2022, Thái Nguyên sẽ là một điểm dừng chân trong hành trình khảo sát sản phẩm liên kết du lịch vùng Việt Bắc, gồm Hà Nội - Thái Nguyên - Ba Bể (Bắc Kạn) - Thượng Tân, Bắc Mê (Hà Giang) - Du Già, Đường Thượng, Quản Bạ (Hà Giang). Dịp này, Thái Nguyên tổ chức triển lãm ảnh giới thiệu về miền đất, con người, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các điểm du lịch tiêu biểu tại TP. Hà Giang; tham gia Cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch tại điểm 6 tỉnh Việt Bắc; hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc…

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên.

Bên cạnh liên kết du lịch Việt Bắc, Thái Nguyên đã phối hợp, liên kết với các địa phương có vùng chè đặc sản và sản phẩm trà trong cả nước để đăng cai tổ chức thành công các kỳ Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam vào các năm 2011, 2013 và 2015; dự kiến tiếp tục tổ chức lần thứ 4 trong năm 2022. Với những hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn và mang tính cộng đồng, Festival Trà Thái Nguyên đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên; thúc đẩy sự phát triển của ngành chè Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Ngoài ra, ngành du lịch Thái Nguyên còn tham gia chương trình liên kết giữa các tỉnh có chung dãy núi Tam Đảo với Hà Nội (Hà Nội - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Vĩnh Phúc); chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trên trục Quốc lộ 37 (Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương và Quảng Ninh); chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Đông Bắc; chương trình phát triển du lịch cụm hiệp hội du lịch 16 tỉnh phía Bắc.

Vừa qua tại sự kiện mở cửa lại hoạt động du lịch Thái Nguyên, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã đề xuất 5 nhóm giải pháp để Thái Nguyên nắm bắt thời cơ và khôi phục du lịch sau 2 năm đóng băng. Trong đó, cần chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới. Tăng cường hiệu quả trong việc liên kết 6 tỉnh Việt Bắc triển khai chương trình du lịch ‘‘Qua những miền di sản Việt Bắc’’, chương trình liên kết các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Hải Dương – Quảng Ninh và chương trình hợp tác với Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc./.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/thai-nguyen-tang-cuong-lien-ket-vung-de-khoi-phuc-du-lich-post937772.vov