Thăm cụm di tích kiến trúc tại làng cổ Lại Đà, quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Làng Lại Đà, vùng quê yên bình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa cụm di tích kiến trúc nghệ thuật xưa.

Làng Lại Đà một trong những ngôi làng còn lưu giữ nhiều nét cổ kính và quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. Trong ảnh: Cổng làng Lại Đà được phục dựng lại vào năm 2010. (Nguồn: Tiền Phong)

Làng Lại Đà một trong những ngôi làng còn lưu giữ nhiều nét cổ kính và quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. Trong ảnh: Cổng làng Lại Đà được phục dựng lại vào năm 2010. (Nguồn: Tiền Phong)

Nằm bên dòng sông Đuống, làng Lại Đà (xã Đông Hội, thị trấn Đông Anh, Hà Nội) là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dành trọn cuộc đời mình cho đất nước và nhân dân.

Theo truyền thuyết, làng Lại Đà xuất hiện cùng thời với kinh thành Cổ Loa. Đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét xưa với những công trình mang đậm nét của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Làng Lại Đà còn bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa gồm Đình thờ Nguyễn Hiền, trạng nguyên đầu tiên dưới triều Trần (1247), miếu thờ thánh Mẫu Tiên Dung, người trợ giúp Nguyễn Hiền và ngôi chùa có tên Cảnh Phúc.

Ngày 5/9/1989, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Di tích Quốc gia cụm di tích kiến trúc nghệ thuật Lại Đà.

Cùng khám phá những di tích ở làng cổ Lại Đà - quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đình Lại Đà

Đình Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Đình Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Đình Lại Đà thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1235-1256). Nguyễn Hiền sinh ngày 12/7/1235, quê ở làng Vương Miện, huyện Thượng Hiền (sau đổi là Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam), nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nguyễn Hiền nổi tiếng là người thông minh từ nhỏ.

Đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên ứng Chính Bình thứ 16 (năm 1247), đời Trần Thái Tông, khi mới 13 tuổi. Nguyễn Hiền là Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong niên khoa bảng Việt Nam.

Nguyễn Hiền làm quan đến chức “Thượng thư Bộ Công”. Những năm làm quan trong triều; ông có nhiều kế sách hay phò vua giúp nước. Năm Ất Hợi, nước ta bị giặc Chiêm Thành xâm lược, nhà vua rất lo bèn giao cho Trạng nguyên Nguyễn Hiền đánh giặc giữ nước. Chỉ ít lâu sau, quân giặc thất bại, trạng Hiền thu quân về Vu Minh Sơn mở tiệc khao quân và tâu lên vua. Nhà vua vô cùng vui mừng và phong cho ông Trạng chức “Đệ nhất hiển quý quan”. Về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất, mùa màng thắng lợi. Về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn quân sỹ.

Ngày 14/8/1256, Trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là “Đại vương Thành hoàng” và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Theo thần phả, đình Lại Đà được xây dựng sau năm 1276, lúc đầu gọi là đền, cuối thế kỷ XVIII chuyển thành đình. Ngôi đình hiện nay được dựng vào năm 1853. Đây là công trình cổ và bề thế, dựng theo kiểu liên hoàn, trên một khoảng đất phong quang, thế đất hổ phục. Trước cửa đình có hai ao tròn gọi là 2 mặt hồ, giữa có hòn đá là lưỡi hổ, phía sau đình là mình hổ và tiếp là đuôi hổ. Cửa đình theo hướng Nam, trước mặt là cánh đồng, xa hơn nữa là dòng sông Đuống. Đình Lại Đà đã quá nhiều lần trùng tu. Đợt trùng tu năm 2002 - 2003 là lớn nhất, với kinh phí 1,5 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư.

Đình Lại Đà được xây trụ lớn nối với tường bao quanh chạy song song, hai bên nối với tam quan chùa và cửa miếu. Đại đình gồm 5 gian, các vì gỗ chạm khắc mang phong cách Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Trong Hậu cung có đặt ngai thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, đôi lân chầu phong cách thế kỷ XVII và tượng Nguyễn Hiền đặt chính giữa.

Đình Lại Đà còn lưu giữ 20 đạo sắc phong, sắc sớm nhất vào niên hiệu Khánh Đức (Lê Thánh Tông) 19/3/1652 và sắc cuối cùng là đời vua Khải Định, ngày 25/7/1924.

Chùa Lại Đà

Chùa Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Chùa Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Chùa Lại Đà nằm sát phía Đông của Đình, chùa có tên chữ là Cảnh Phúc tự. Chùa làng Lại Đà dựng từ xa xưa và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Dựa vào dấu tích và một số di vật còn lại, có thể đoán biết chùa làm từ thời Hậu Lê; trước đó thời Trần đã có chùa.

Chùa quy hoạch làm hai dãy: dãy phía trước là nhà Tam bảo, dãy phía sau là nhà thờ hậu (còn gọi là Tự hậu đường). Tam quan làm sát đường vào đình, dựng vào năm thứ 8 triều Cảnh Thịnh (1800). Nhà Tam bảo do tồn tại lâu đời nên đã bị xuống cấp.

Được chính quyền địa phương chấp thuận, dân làng và nhà chùa do sư cụ Đàm Nguyên đã trụ trì xây dựng lại nhà Tổ vào năm 2003 và xây dựng lại Tam bảo vào năm 2004 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (công đức của dân làng và các nhà tài trợ).

Miếu Lại Đà

Miếu Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Miếu Lại Đà. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Miếu Lại Đà còn gọi là đền, miếu nằm ở phía Tây và sát ngay Đình làng. Miếu thờ Thánh Mẫu Tiên Dung - theo truyền thuyết là người có công giúp Trạng nguyên Nguyễn Hiền dẹp quân giặc Chiêm Thành xâm lược, được nhà Trần phong làm Phúc thần.

Miếu được xây dựng khoảng sau năm 1276, tức sau năm Nguyễn Hiền mất. Miếu xưa nhỏ hẹp, năm Khải Định thứ 10 (1925) miếu được mở rộng. Kiến trúc Miếu bố cục theo hình chữ “nhị”, nhà hậu là nơi đặt bệ, có khám thờ Thánh Mẫu. Hàng năm vào ngày 11 tháng Ba Âm lịch, đội nữ quan ăn mặc lễ phục cử hành lễ tại miếu.

Cụm di tích đình-chùa-miếu Lại Đà nằm trong khu đất rộng, với các công trình kiến trúc di sản hòa trong cảnh quan cây xanh - hồ nước phong thủy hữu tình. Phía sân khu di tích là cây bồ đề hơn 300 năm che bóng mát, khiến khách tham quan vãn cảnh cảm nhận rất nhẹ nhàng, thoải mái.

Đình, chùa, miếu Lại Đà đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tham-cum-di-tich-kien-truc-tai-lang-co-lai-da-que-huong-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-279892.html