Tham gia nhiều ý kiến về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội

ĐBP - Ngày 13/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5/2021. Dự phiên họp có đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Buổi sáng, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào nội dung 2 dự thảo báo cáo, tờ trình do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình. Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/12/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết số 09) và Kết luận số 01-KL/TU ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 (gọi tắt là Kết luận số 01); tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 và Kết luận số 01 đạt nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu. Cụ thể, đến năm 2020 có 10 huyện, thị xã, thành phố được kiểm kê di tích; 27 di tích, danh lam thắng cảnh mới phát hiện được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; 9 di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi (vượt 6 di tích); 100% số hiện vật hiện có và hiện vật sưu tầm bổ sung được bảo quản. Có 18 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa; trong đó 11 dân tộc có di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy. Hiện có 15 di sản văn hóa phi vật thể được lựa chọn lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thế quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thế đại diện của nhân loại. Các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, đánh giá, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa, xếp hạng di tích, danh lam thắng cảnh, khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích, phục dựng lễ hội, điều tra khảo cổ, tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa... được quan tâm thực hiện hiệu quả. Thông qua bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, tạo cơ hội việc làm cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh; góp phần thay đối nhận thức, nâng cao trình độ tay nghề của người lao động; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, văn nghệ, kinh tế giữa các dân tộc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo và cùng đóng góp ý kiến vào tên gọi, bối cảnh thực hiện, kết quả thực hiện, đề xuất kiến nghị, chương trình hành động, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu… đồng thời chỉ rõ một số những tồn tại, hạn chế. Như một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu; công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa mới tập trung chủ yếu ở loại hình lễ hội và một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới chỉ được kiểm kê và nhận diện, chưa được nghiên cứu, đánh giá khoa học. Quá trình bảo tồn di sản văn hóa mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, triển khai chưa đồng đều, chưa toàn diện. Công tác bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc rất ít người chưa được triển khai đồng bộ, mới chỉ được thực hiện lồng ghép trong đề án phát triển kinh tế - xã hội; chưa phát huy được giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Si La, dân tộc Cống và một số dân tộc khác…

Kết luận nội dung này, đồng chí Lê Thành Đô đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các nội dung dự thảo. Đồng thời yêu cầu làm rõ giá trị của việc phát huy giá trị di sản văn hóa, bản văn hóa; những tồn tại trong phát huy, huy động nguồn lực xã hội hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển du lịch; phát triển ngành nghề thủ công truyền thống. Cần bổ sung giải pháp gắn bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục xem xét cho ý kiến vào các dự thảo báo cáo, tờ trình, nghị quyết còn lại theo kế hoạch.

Tin, ảnh: Gia Kiệt

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/186916/tham-gia-nhieu-y-kien-ve-bao-ton-va-phat-trien-van-hoa-cac-dan-toc-gan-voi-phat-trien-kinh-te---xa-hoi