Thăm nơi lưu giữ những kỷ vật cuối cùng của lãnh tụ Lenin

Vladimir Ilych Lenin, lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới là người đầu tiên đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga để làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười làm rung chuyển thế giới.

Điền trang Gorki-Leninskyi cách trung tâm Moskva 30km nay là bảo tàng lưu giữ những kỷ vật cuối đời của Lãnh tụ Vladimir Ilich Lenin.

Điền trang Gorki-Leninskyi cách trung tâm Moskva 30km nay là bảo tàng lưu giữ những kỷ vật cuối đời của Lãnh tụ Vladimir Ilich Lenin.

Nhân kỷ niệm 102 năm ngày Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại (7/11/1917 – 7/11/2019), chúng tôi đã đến làng Gorki-Leninskye trong tiết trời lạnh, khi những bông tuyết nặng hạt khiến con đường chúng tôi đi bộ vào điền trang Lenin từng sống những ngày cuối đời mình trở nên xa hơn.

Điền trang Gorki (Leninskye) được xây từ cuối thế kỳ 18. Năm 1909, nữ triệu phú Zinaida Morozova cùng người chồng thứ 3 là Thiếu tướng Anatoly Rainbot mua lại điền trang này. Lần đầu tiên, gia đình Ulyanov (gồm V. I. Lenin, vợ Nadezhda Konstantinovna Krupskaya và em gái Maria Ilyinichna) đến Gorki ngày 25/9/1918 để Lenin hồi phục sức khỏe sau khi ông bị bắn trọng thương ngày 30/8/1918 tại nhà máy Michelson ở Moskva. Trong những năm tiếp theo, Lenin liên tục tới ở điền trang này và qua đời nơi đây vào hồi 18 giờ 50 phút ngày 21/1/1924.

Những đồ vật trên bàn làm việc của Lenin vẫn còn được bảo quản và lưu lại đến nay.

Những đồ vật trên bàn làm việc của Lenin vẫn còn được bảo quản và lưu lại đến nay.

Phòng làm việc của lãnh tụ Vladimir Lenin. Chính tại nơi này Lenin đã ra quyết định thành lập Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô).

Phòng làm việc của lãnh tụ Vladimir Lenin. Chính tại nơi này Lenin đã ra quyết định thành lập Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô).

Bảo tàng tại điền trang còn lưu giữ các bộ trang phục Lenin mặc, trong đó có bản sao trang phục Lenin mặc khi bị bắn ở nhà máy Michelson với chỉ đỏ đánh dấu vết đạn.

Bên cạnh bức ảnh Lenin là dòng hồi ký cảm nhận của bà Nadezhda về điền trang: “Chúng tôi đã quen sống trong những căn hộ khiêm tốn, ở những căn phòng và nhà trọ rẻ tiền ở nước ngoài. Tôi chọn cho mình căn phòng nhỏ nhất (trong điền trang) và dọn đến đó. Tuy nhiên, ngay chính căn phòng nhất nhất đó cũng có tới 3 cửa sổ lớn và 3 bàn trang điểm. Chúng tôi dần quen với Gorki, thích nghi với nơi nghỉ vẫn làm việc này. Lenin thích các ban công và những ô cửa sổ lớn”.

Điều thú vị trong điền trang là thư viện với rất nhiều đầu sách. Thư viện là nơi yêu thích của Lenin. Đến đây, ta có thể cảm nhận được khả năng làm việc cũng như sự uyên bác của người. Cô Evghenhi, hướng dẫn viên cao cấp của bảo tàng cho biết: “Phần lớn sách ở đây được Lenin chuyển về từ căn hộ của ông ở Điện Kremlin. Ông đọc rất nhiều và có kỹ thuật đọc nhanh theo đường chéo. Mỗi ngày ông đọc từ 500-600 trang sách. Ở đây có cả sách văn học bằng tiếng nước ngoài. Lenin biết tới 9 ngoại ngữ mà công chính là nhờ phương pháp giáo dục của mẹ ông, bà Maria Aleksandrovna”.

Nhân viên bảo tàng giới thiệu về bộ trang phục Lenin mặc trong lúc đi săn.

Nhân viên bảo tàng giới thiệu về bộ trang phục Lenin mặc trong lúc đi săn.

Những bản ghi chép tay của Lenin về nội dung một số cuộc điện thoại trao đổi công việc với Điện Kremlin.

Những bản ghi chép tay của Lenin về nội dung một số cuộc điện thoại trao đổi công việc với Điện Kremlin.

Phòng ngủ của Vladimir Lenin còn lưu lại cuốn truyện “Tình yêu cuộc sống” mà Lenin được vợ đọc cho nghe trong những ngày cuối đời.

Phòng ngủ của Vladimir Lenin còn lưu lại cuốn truyện “Tình yêu cuộc sống” mà Lenin được vợ đọc cho nghe trong những ngày cuối đời.

Những kỷ vật của Lenin tại điền trang vẫn được giữ gìn một cách trân trọng. Bên dưới chiếc điện thoại Erikson mà Người sử dụng để liên lạc với Điện Kremlin còn lưu giữ những dòng thư phàn nàn về chất lượng liên lạc kém của Người. Cần nhớ rằng vào thời điểm đó, có điện thoại trong nhà ở ngoại ô là điều rất hiếm, chính vì vậy chính quyền Xô viết đã chọn điền trang của nữ triệu phú Morozova cho Lenin sử dụng.

Trong căn nhà lớn, trên tầng 2, vẫn còn đó bàn làm việc của Người trông ra cửa sổ. Đồng hồ và lịch trong căn nhà đều dừng ở thời điểm 18 giờ 50 phút thứ hai ngày 21/1/1924 khi Người ra đi mãi mãi.

Tại căn phòng trên tầng 2, nơi Người sống những ngày cuối cùng của cuộc đời, vẫn lưu giữ chuông để gọi phục vụ và các loại thuốc dùng để điều trị cho Lenin. Điều đáng lưu ý trong căn phòng này là 2 cuốn sách “Hội nghị lần thứ 13 Đảng Cộng sản Nga” và cuốn truyện “Tình yêu cuộc sống” của nhà văn Mỹ Jack London mà Người được vợ đọc cho trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Bức tượng đưa tiễn Lenin được đặt ngay bên ngoài tòa nhà chính của Điền trang Gorki-Leninskye.

Bức tượng đưa tiễn Lenin được đặt ngay bên ngoài tòa nhà chính của Điền trang Gorki-Leninskye.

Chị Evghenhi giới thiệu cho chúng tôi bức tượng ngay bên ngoài tòa nhà chính của điền trang, mô tả cảnh đưa thi hài Lenin về Moskva. Đây là bức tượng duy nhất trên thế giới mô tả Lenin đã qua đời.

Tác giả bức tượng, nhà điêu khắc Sergei Merkurov mô tả rất chân thực và đầy ý nghĩa cảnh trong cái giá rét -30 độ của tháng Giêng năm 1924. Quan tài và thi thể Lenin được quần chúng khiêng trên vai suốt chặng đường dài 4km từ điền trang tới nhà ga xe lửa để đưa về Moskva.

Chị Evghenhi bình luận: “Chẳng có ai nghi ngờ rằng Lenin là con người vĩ đại, đã có ảnh hưởng đánh kể tới lịch sử thế giới. Điền trang Gorki là một trong vài địa điểm vẫn bảo tồn được nguyên vẹn kể từ sau cách mạng tháng 10. Và khách thăm quan tới đây có thể tận mắt xem những hiện vật nguyên bản nói về cuộc sống của Vladimir Ilych cũng như các thành viên trong gia đình ông từ năm 1918”.

Nằm không xa khu dinh thự chính của điền trang Gorki, trong lãnh địa điền trang này còn có một ngôi nhà nhỏ mà Bảo tàng “Phòng làm việc và căn hộ của V. I. Lenin ở Điện Kremlin” năm 1994 được chuyển về đây.

Trước đây bảo tàng này, mở cửa từ tháng 4/1955, nằm trên tầng 3 tòa nhà Thượng viện cũ ở Điện Kremlin, trong các phòng mà từ năm 1918 đến 1923 Lenin sống và làm việc, và các thành viên gia đình ông tiếp tục sống cho đến năm 1939.

Các hiện vật nguyên bản của bảo tàng tái hiện không chỉ không khí hoạt động của Xô viết các Chính ủy Nhân dân và vị Chủ tịch đầu tiên của nó, mà cả những chi tiết nhỏ nhất điều kiện sinh hoạt của gia đình Ulyanov. Điều này khiến cho nó trở thành một trong những bảo tàng Lenin được ghé thăm nhiều nhất.

Tại đây, Lenin đã tiến hành các công việc lãnh đạo đảng và đất nước hàng ngày; chuẩn bị cho các đại hội và hội nghị đảng, đại hội của các Xô viết, đại hội Quốc tế Cộng sản…, viết các tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết”, “Bệnh ấu trĩ ‘tả khuynh’ trong chủ nghĩa cộng sản", "Chế độ độc tài của giai cấp vô sản", "Bước đầu vĩ đại”…

Bảo tàng bắt đầu với phòng họp của chính quyền Xô viết non trẻ. Tại đây, hướng dẫn viên, chị Svetlana Generalova cho biết dưới thời Lenin, vải trên bàn và ghế có màu đỏ song dưới thời Stalin, nó được thay thế bằng màu xanh lá cây.

Tuy nhiên, Stalin vẫn giữ lại chiếc ghế gỗ Lenin ngồi ở góc đỏ của hội trường. Phòng họp này là nơi bộ chính trị Xô viết non trẻ nhóm họp. Theo chị Svetlana, công việc nhiều đến nỗi thời đó phòng họp hoạt động từ 8 giờ sáng cho tới tận nửa đêm.

Phòng làm việc của Lenin trong bảo tàng thể hiện giai đoạn cuối cùng Người làm việc tại Điện Kremlin, dù nhiều vật phẩm liên quan đến những năm đầu Người lãnh đạo chính quyền Xô viết. Có thể thấy rõ trên bàn làm việc, ngoài cây đèn điện màu xanh còn có những ngọn nến.

Lenin đã làm việc dưới nến cho kịp công việc trong tình huống mất điện hay xảy ra thời đó. Tại đây, bạn có thể ngắm các bản đồ tác chiến nguyên bản trong cuộc Nội chiến ở Nga, văn kiện các đại hội và hội nghị, tuyển tập thống kê, quà tặng của công nhân và nông dân gửi cho Lenin từ khắp mọi miền đất nước.

Điểm đáng chú ý trên tường là tấm bản đồ khu vực Kavkaz, đánh dấu cụ thể các thành phần sắc dộc của người dân khu vực này. Điều cho thấy Lenin rất quan tâm tới các dân tộc khác nhau sinh sống ở vùng Kavkaz xa xôi.

Những đồ vật trên bàn làm việc của Lenin vẫn còn được bảo quản và lưu lại đến nay.

Những đồ vật trên bàn làm việc của Lenin vẫn còn được bảo quản và lưu lại đến nay.

Chiếc điện thoại Lenin dùng để liên lạc với Điện Kremlin.

Chiếc điện thoại Lenin dùng để liên lạc với Điện Kremlin.

Chiếc đồng hồ dừng lại ở thời điểm 18 giờ 50 phút thứ hai ngày 21/1/1924 khi vị lãnh tụ Vladimir Lenin ra đi mãi mãi.

Chiếc đồng hồ dừng lại ở thời điểm 18 giờ 50 phút thứ hai ngày 21/1/1924 khi vị lãnh tụ Vladimir Lenin ra đi mãi mãi.

Đồng hồ trong phòng làm việc của Vladimir Ilyich dừng lại vào thời điểm 8 giờ15 tối. Gia đình Lenin chuyển từ Petrograd đến Điện Kremlin sống ngày 12/3/1918. Và 8 giờ 15 tối 12/12/1922 là thời điểm kết thúc ngày làm việc cuối cùng của Lenin tại Điện Kremlin. Chính vào thời điểm này, trước yêu cầu cương quyết của bác sĩ, người phải rời Moskva đi nghỉ dài ngày và chấp nhận tới điền trang Gorki.

Tại bảo tàng phòng làm việc và căn hộ của Lenin ở Điện Kremlin, một lần nữa gây bất ngờ cho khách tham quan lại là những cuốn sách. Chị Svetlana cho biết trong tổng số hơn 40.000 hiện vật của bảo tàng, sách chiếm một phần lớn, tới 11.000 đầu sách. Thư viện sách của Lenin gồm các sách in bằng 18 thứ tiếng, và Lenin thích đọc sách về lịch sử các quốc gia.

Các căn phòng gia đình Ulyanov ở Điện Kremlin toát lên vẻ khiên tốn, mộc mạc. Mọi thứ đều đơn giản, sạch sẽ, không bóng bẩy, không sang trọng. Có thể thấy rõ các căn hộ được trang bị rất khiêm tốn, và chỉ có những vật dụng gần như là tối thiểu cần tới.

Diện tích căn hộ Lenin ở khá khiêm tốn, và có thể thấy rõ chúng chỉ gồm những vật dụng tối giản. Điểm đáng chú ý trong căn phòng này là chiếc ghế dựa. Lenin dường như vẫn tiếp tục làm việc trong căn phòng ngủ của mình. Vì thế người có thêm một chiếc ghế dựa để tiện vừa làm việc vừa có thể nghỉ ngơi.

Có thể thấy những vật dụng và phong cách của vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thật giản dị, song nó toát lên một trí tuệ, một nhân cách lớn đã làm thay đổi cả thế giới.

Bài, ảnh: Duy Trinh-Trần Hiếu (P/v TTXVN tại Nga)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tham-noi-luu-giu-nhung-ky-vat-cuoi-cung-cua-lanh-tu-lenin-20191107155547360.htm