Thăm trang trại dê sữa lớn nhất Việt Nam
Sau 5 năm đi vào hoạt động, việc nhân giống, tạo ra các thế hệ dê sữa mới tại Trang trại dê sữa Măng Đen (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) thuộc Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen đã dần ổn định, mở ra kỳ vọng về sự phát triển không ngừng của trang trại dê sữa lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Dùng “chuyên cơ” đón dê
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Minh Thành-Quản lý trang trại-cho biết: Năm 2016, 700 con dê sữa đầu tiên được nhập về trang trại từ Australia. Năm sau, đàn dê được nhập từ Pháp, tất cả đều là giống dê sữa cao sản. Để đón dê về “nhà mới”, Trang trại dê sữa Măng Đen đã phải dùng máy bay vận tải chuyên dụng chở dê về Việt Nam, sau đó tiếp tục “hộ tống” bằng dàn xe riêng.
Tại nơi đến, Trang trại dê sữa Măng Đen đã xây dựng 10 dãy chuồng to rộng trên một quả đồi, mỗi chuồng được đánh số thứ tự và chia làm nhiều ô để phân loại dê theo giới tính, giống và độ tuổi. Mỗi chuồng nuôi trung bình khoảng 1.000 con dê. Các chuồng này đều được thiết kế mái cao, thoáng cùng hệ thống quạt thông gió, sàn làm bằng thanh gỗ thưa để hứng phân dê, sau đó thu gom bằng lưới.
Chỉ trong thời gian ngắn, đàn dê giống đầu tiên đã sớm thích nghi và bắt đầu cho “quả ngọt”. Lần lượt hàng ngàn dê con ra đời sau 2 năm. Việc sinh nở của dê chủ yếu là tự nhiên, nếu gặp ca khó thì cán bộ kỹ thuật sẽ can thiệp. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, đàn dê phát triển khá nhanh, sau 2 năm đã không cần nhập dê mới.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Văn Bình, nghiên cứu viên cao cấp về chăn nuôi dê, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dê, thỏ (Viện Chăn nuôi) cho biết, sữa dê có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp với mọi đối tượng sử dụng, nhất là trẻ suy dinh dưỡng, người ốm đau. Thời tiết, khí hậu xã Măng Cành cũng rất hợp để dê sinh trưởng. Với 8.000 con, hiện Trang trại dê sữa Măng Đen là cơ sở chăn nuôi dê sữa lớn nhất Việt Nam với phương thức chăn nuôi khoa học theo hướng công nghệ cao.
Liên kết để cùng phát triển
Với mong muốn tiếp tục phát triển đàn dê, Trang trại dê sữa Măng Đen đang tiến tới mở rộng mô hình nuôi dê bằng cách liên kết với người dân.
Cụ thể, để chủ động nguồn thức ăn cho dê, trang trại đã đầu tư trồng hơn 100 ha cỏ. Ngoài ra, trang trại còn tổ chức thu mua thức ăn dê trong và ngoài tỉnh; liên kết, đầu tư cho người dân sống quanh vùng dự án trồng cỏ, bắp hay các loại cây trồng để làm thức ăn cho dê. Hiện bà con dân tộc thiểu số ở các xã Măng Bút, Đak Tăng (huyện Kon Plông), Tân Lập, Đak Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) và một số hộ dân ở Gia Lai ở khu vực lân cận đã bắt đầu trồng bắp lấy thân, lá để cung cấp cho trang trại. Việc liên doanh, liên kết đang được đẩy mạnh nhằm tìm kiếm, mở rộng vùng nguyên liệu với tham vọng phát triển đàn dê lên 100 ngàn con trong tương lai.
Theo PGS-TS. Đinh Văn Bình, hiện nay, lượng sữa dê cung ứng ra thị trường còn khá ít. Do vậy, cần có chiến lược dài hơi để Việt Nam có đàn dê lớn với chất lượng sữa tốt. “Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong chăn nuôi dê là cần thiết nhằm góp phần tăng nhanh sản lượng đàn và sữa dê. Biện pháp chăn nuôi dê nông hộ gắn với cơ sở chăn nuôi tập trung có chuỗi chăn nuôi, chế biến khép kín rất là cần thiết. Với đàn dê 8.000 con, cho lượng sữa hơn 3 lít/con/ngày, cá biệt có những con cho đến 6-7 lít, Trang trại dê sữa Măng Đen đang sở hữu những con dê sữa cao sản quý hiếm, cần chọn lọc cẩn thận để nhân giống cho trang trại và những nơi có nhu cầu”-PGS-TS. Đinh Văn Bình nhấn mạnh.
Anh Hoàng Minh Thành cũng cho hay, Trang trại dê sữa Măng Đen đã bắt đầu lắp ráp các thiết bị vắt sữa hiện đại, khép kín bằng công nghệ của Đức thay cho việc vắt sữa thủ công hiệu quả không cao. Cùng với đó, các dòng sữa tươi cũng đã được chế biến, tạo ra các sản phẩm mới lạ, dinh dưỡng cao để cung cấp cho thị trường. Đến nay, các sản phẩm như: sữa thanh trùng 3 con dê, sữa chua… từ Trang trại dê sữa Măng Đen đã đến với người tiêu dùng trong cả nước.