Thận phải, thận trái cũng đều là… thận

Những cơn đau khiến anh quằn quại. Chiều muộn chủ nhật, không thể chịu được nữa, anh đến một phòng khám tư tại thị trấn chiếu chụp. Kết quả siêu âm ổ bụng thận phải bình thường, thận trái thì 'kích thước bình thường, nhu mô thận đồng âm; đài bể thận: Giãn độ II, niệu quản 1/3 trên có sỏi kích thước 7,3 mm'.

Nhận vài viên thuốc giảm đau, anh ôm bụng về để sớm hôm sau đến bệnh viện đa khoa huyện xử lý.

Sáng thứ 2 đầu tuần, anh lếch thếch nhập viện. Tối hôm trước, anh đã tìm hiểu về bệnh viện huyện nhà, rằng đây là bệnh viện đang được nâng tầm, lại vừa đầu tư mới máy chụp cắt lớp vi tính do Mỹ sản xuất…

Các quy trình được tiến hành. Anh được đưa vào phòng siêu âm màu 5D siêu âm hệ tiết niệu, máy móc sáng loáng, do 1 bác sỹ chuyên khoa thực hiện, cùng với 1 sinh viên thực tập hoặc tập sự gì đó. Anh cũng trình bày rõ chiều hôm trước đã siêu âm, thấy sỏi bên thận trái.

Vừa làm, bác sỹ chuyên khoa vừa chỉ bảo cậu sinh viên: “Cháu phải đo từ đây đến đây, phải để ý chi tiết này, phải…”.

Kết quả siêu âm của anh trái ngược với hôm trước: “Thận phải kích thước bình thường, nhu mô đồng nhất. Ranh giới giữa nhu mô và đài bể rõ. Đài bể thận giãn độ 1, không có sỏi, niệu giãn 11 cách đài bể thận 16 mm có sỏi kích thước 11 mm”; thận trái bình thường, “đài bể thận không giãn, không có sỏi, niệu quản không giãn, không có sỏi”.

“Sỏi bên phải, không phải bên trái!” - bác sỹ nói chắc nịch.

“Tá hỏa” vì 2 kết quả khác nhau, anh cuống cuồng ngồi dậy, cảm ơn bác sỹ rồi chạy vội ra ngoài. Giọng vị bác sỹ chuyên khoa với theo: Bệnh viện xử lý những trường hợp như của anh đơn giản thôi, đừng lo lắng nhiều…!

Tức tốc, anh lên thẳng bệnh viện tỉnh. Lại quy trình chiếu chụp, kết quả là thận phải của anh bình thường, còn thận trái “niệu quản giãn, đoạn 1/3 trên có sỏi 8 x 11 mm”…

Anh nhắc với bác sỹ viện tỉnh: Chỗ bác sỹ X thì bảo em bị sỏi bên trái, bác sỹ Y thì bảo sỏi bên phải, bác sỹ kiểm tra kỹ giúp em…

Bác sỹ viện tỉnh xem bản phim xong, ừ hữ: Thế này mà bảo sỏi thận phải!

Anh nói với tôi qua điện thoại giọng ngao ngán: Máy móc chụp, cơ bản cho ra kết quả như nhau, vấn đề là người đọc, không rõ do trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ hay làm nhanh, làm ẩu mà người thì bảo trái, người thì bảo phải! Anh, cũng như bao bệnh nhân khác, đâu có hiểu sâu về kiến thức y học, mà nhất nhất phải tuân theo kết luận của thầy thuốc. Nếu như bệnh viện huyện nọ phẫu thuật cho anh dựa trên kết quả siêu âm của bác sỹ chuyên khoa kia, không biết kết cục thế nào, chắc họ “banh ra” rồi “đậy lại”, rồi “mổ bù”. Cũng không rõ từ trước đến nay, đã có bao nhiêu người “được” vị bác sỹ nọ soi chụp và bao nhiêu ca xử lý dựa trên kết quả đó. Nguy hại hơn, vị bác sỹ này còn hướng dẫn sinh viên thực tập, thực hành, tức là góp phần tạo ra những “sản phẩm” cụ thể là nhân lực cho ngành y tế. “Nếu phát hiện có sai sót, nhầm lẫn, không biết các cơ sở y tế có trao đổi với nhau không nhỉ?” - anh hỏi.

Tôi… chịu và không ít người cũng phải chịu, thôi thì thầy thuốc, bệnh viện bảo sao cũng phải nghe theo. Số phận một con người khi đã vào viện thì mặc nhiên phó thác cho thầy thuốc. Vậy xin các thầy đừng tặc lưỡi: Thận phải, thận trái cũng đều là… quả thận! Chưa kể những tình huống nghìn cân treo sợi tóc.

Ngay chiều hôm đó, anh lên xe về Hà Nội...

Phạm Đức

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-de-cung-ban-luan/than-phai-than-trai-cung-deu-la-than-z89n20200612111636709.htm