Thân phận giáo viên hợp đồng – đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Ngoài công việc bấp bênh, giáo viên dạy hợp đồng còn thêm nỗi lo cuộc sống thiếu trước hụt sau vì đồng lương quá eo hẹp.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Đà Lạt, tôi về quê hương Quảng Trị xin việc dạy học.
Đúng đợt tuyển giáo viên, tôi nộp hồ sơ xét tuyển ở Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị nhưng bị từ chối vì văn bằng tổng hợp, chỉ có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Quy định của tỉnh lúc đó, sinh viên tốt nghiệp ngoài sư phạm thì phải dạy hợp đồng ít nhất là hai năm mới được nộp hồ sơ để Sở xem xét.
Nhiều tuần sau đó, ba tôi xin thầy Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho tôi dạy hợp đồng một trường trung học cơ sở cách nhà hơn chục cây số.
Việc xin dạy hợp đồng cũng không khó khăn lắm, vì thầy Phó Phòng nguyên là Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở nơi tôi từng theo học.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, dạy học được khoảng hai tháng, tôi được Phòng thông báo lên nhận công lệnh điều động về một trường khác bởi có giáo viên biên chế về.
Gạt nỗi buồn, tôi đến nhận nhiệm vụ ở trường trung học cơ mới cũng cách xa nhà hàng chục cây số.
Ngày đến trường trình diện, Hiệu trưởng nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại bởi tôi đi xe đạp từ một quãng đường dài. Hơn nữa, trường này toàn giáo viên biên chế, chỉ mỗi mình tôi là giáo viên hợp đồng nên Hiệu trưởng cũng có vẻ thương hại.
Thời tiết ở Quảng Trị khắc nghiệt, mùa hè nắng đỏ lửa với gió lào thổi rạp người, mùa đông mưa phùn gió bấc lạnh cắt da cắt thịt. Thế nhưng tôi vẫn nhẫn nại đạp xe đi dạy không trễ một phút, không vắng một buổi với tiền lương 539.400 đồng thời điểm năm 2004.
Thương tình, người chị con bà cô mua giúp tôi một chiếc xe gắn máy rẻ tiền, không hẹn ngày hoàn trả. Có phương tiên đi lại, tôi tạm yên tâm với công việc lúc này, cố gắng hoàn tốt nhiệm vụ giảng dạy.
Nhưng thú thật, rất nhiều lúc người thầy là tôi vẫn không đủ tiền đổ xăng xe, hay đi ăn cưới hỏi bạn bè, đồng nghiệp vì đồng lương quá eo hẹp thiếu trước hụt sau. Vì thương học sinh nghèo khó chăm chỉ, tôi gắng trụ lại với nghề với ước mong sẽ có ngày được vô biên chế.
Ngôi trường chúng tôi công tác có nhiều giáo viên nam cùng trang lứa và một nữ giáo viên dạy môn Âm nhạc chưa có gia đình, kể cả thầy Phó hiệu trưởng đã ngoài 40 tuổi.
Và mọi việc rắc rối cũng từ đó mà ra…
Nhóm nam giáo viên chúng tôi và cô giáo cùng trang lứa nên thường đi chơi với nhau. Thế mà thầy Hiệu phó không hài lòng nên xếp thời khóa biểu rải nguyên tuần, từ thứ hai đến thứ 7, cho dù tôi chỉ dạy đúng 19 tiết.
Tôi mặc dù không đồng tình với cách hành xử lạ lùng của thầy Hiệu phó nhưng cũng chỉ biết im lặng bởi mình chỉ là giáo viên hợp đồng.
Dạy xong một năm, đến năm học sau chưa đầy hai tháng, tôi bị Phòng cắt hợp đồng với lí do không đủ tiền chi trả lương ngoài ngân sách. Tôi đành bỏ luôn gần hai tháng lương chưa kịp nhận để tính kế sinh nhai khác.
Hết đường mưu sinh, lúc này cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tôi nói ngắn gọn với ba, mạ (mẹ) sẽ quay trở lại Đà Lạt rồi tính tiếp.
Ba tôi lặng câm không nói nhưng ánh mắt ông để lộ nỗi buồn tuyệt vọng… Còn mạ tôi tỏ rõ thái độ không hài lòng vì muốn tôi ở nhà để chờ thêm một cơ hội hợp đồng khác.
Ngày tôi ra đi, mạ tôi khóc lặng với cái nhìn xa xăm… Bà khóc bởi thương con, không lo được cho con và có lẽ còn là nỗi sợ với cái nhìn soi mói, đàm tiêu thiếu thiện chí của xóm giềng… (học cho lắm vô rồi cũng thất nghiệp).
Lận lưng 200 ngàn đồng cùng chiếc xe gắn máy, tôi đón ô tô trở lại Đà Lạt tá túc phòng trọ thời sinh viên ăn học. Thấy tôi xuất hiện, chủ nhà trọ rất bất ngờ vì không nghĩ rằng tôi sẽ bỏ nghề dạy học… Nhưng sự tình có phải thế đâu…
Túi sạch tiền, tôi liền rủ người bạn cùng quê chưa ra trường đi làm nhà hàng để có miếng ăn trước mắt. Từ một người thầy tay chuyên cầm phấn, nay cũng với bàn tay ấy nhưng phải bưng bê dọn bàn, kể cả bị khách say xỉn quát mắng, tôi cố nuốt nước mắt vào trong.
Nhiều buổi chiều đi làm về, nhìn học sinh tan trường trong tiếng cười rộn rã, tôi lại ứa nước mắt…
Một năm sau, nhờ người bạn giới thiệu chỗ làm một trường trung học phổ thông tư thục ở Sài Gòn, tôi lập tức rời Đà Lạt xuống đó để được làm nghề yêu thích.
Gặp lại học sinh, được làm đúng với nghề, lòng tôi đã vui trở lại. Nhưng tính tôi an phận và còn bị ám ảnh bởi những ngày hợp đồng thuở trước, nên sau bảy năm làm việc ở môi trường tư, tôi vào biên chế Nhà nước.
Hàng ngày, đọc những bài viết về nỗi khổ của giáo viên hợp đồng trên mọi miền đất nước, tôi lại bồi hồi nhớ đến mình ngày xưa. Và tôi cũng thể quên đồng lương chính xác “năm-trăm-ba-mươi chín-nghìn-bốn-trăm-đồng” thuở đó.
Tôi rất đồng cảm với đồng nghiệp và cũng chỉ biết bày tỏ cảm xúc qua bài viết này.
Thân phận giáo viên hợp đồng, đúng là “Đoạn trường ai có qua cấu mới hay”!