Thận trọng rủi ro trong giao dịch có yếu tố 'số hóa'

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý, giao dịch thông qua công cụ điện tử, đảm bảo các thông tin được lưu trữ tự động, tiết kiệm thời gian, chi phí, tuy nhiên bất lợi là không kiểm soát được tính chính xác của các công cụ trao đổi: email, fax…, không kiểm soát được về thẩm quyền của người làm việc qua các công cụ trao đổi.

Chuyển hướng của hình thức giao dịch biểu hiện trong thời đại công nghệ 4.0 là: sự hình thành của các nền tảng (platform) kinh doanh điện tử; việc trao đổi giấy tờ được chuyển từ bàn giấy sang email; thanh toán thông qua công cụ điện tử; giao dịch từ xa thông qua hợp đồng điện tử.

Xét về quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có tỷ lệ trên 50% lao động sử dụng email cao hơn nhóm doanh nghiệp lớn. Mục đích chính sử dụng email trong doanh nghiệp vẫn là dùng để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp (74%).

Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và đặc biệt là mạng internet, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang sử dụng internet rất nhiều và phổ biến để giao kết hợp đồng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) năm 2018, đã có 28% số doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giải quyết tranh chấp thương mại cũng có sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế số với các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. “Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế” được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án gồm 4 phương thức: thương lượng trực tuyến (online negotiation); hòa giải trực tuyến (online mediation); trọng tài trực tuyến (online arbitration); các phương thức hỗn hợp khác.

Chứng cứ điện tử hầu như được chấp nhận tại tòa án và trọng tài. VIAC trong 26 năm hoạt động cũng đi theo tiến trình công nghệ số, thực hiện giải quyết các tranh chấp các vụ việc có hệ quả phát sinh từ yếu tố điện tử như chứng từ, giao dịch email,…; xây dựng tiến trình quản lý giải quyết tranh chấp bằng công cụ điện tử; áp dụng việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức online.

Ông Châu Việt Bắc nhận định, giao dịch truyền thống minh bạch giấy tờ, “giấy trắng mực đen” rõ ràng; tuân thủ theo yêu cầu của pháp luật về hình thức giao dịch giữa các bên, nhưng vấn đề thu thập chứng cứ chứng minh việc mất giấy tờ dễ dẫn đến không thể chứng minh để đòi quyền lợi, chưa kể tác động của các yếu tố môi trường đến giấy tờ. Còn giao dịch thông qua công cụ điện tử, đảm bảo các thông tin được lưu trữ tự động; tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển chứng từ, văn bản giữa các bên; tuy nhiên, bất lợi là không kiểm soát được về tính chính xác của các công cụ trao đổi: email, fax…, không kiểm soát được về thẩm quyền của người làm việc qua các công cụ trao đổi.

Giá trị pháp lý của hợp đồng, chứng từ điện tử không bị phủ nhận ở hầu hết quy định của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Thế nhưng, ông Châu Việt Bắc lưu ý khi thực hiện giao dịch có yếu tố “số hóa” thì phải áp dụng công cụ số an toàn trong quá trình thực hiện hợp đồng, những giao dịch bắt buộc phải thực hiện thông qua văn bản nhằm đảm bảo yêu cầu về chứng cứ chứng minh. Mặc dù sự phát triển theo xu hướng kinh tế số là cần thiết, nhưng yếu tố về chứng cứ bằng văn bản cần được chú trọng nhằm hạn chế những rủi ro và yếu thế khi phát sinh tranh chấp.

M.P

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/than-trong-rui-ro-trong-giao-dich-co-yeu-to-so-hoa-547985.html