Thang máy 102 tầng ở phố cổ Đồng Văn được xây rồi tạm dừng thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang là người ký quyết định chấp thuận đầu tư cho dự án làm công trình thang máy cao kỷ lục giữa phố cổ Đồng Văn.

Quyết định được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ký ngày 23/11/2017. Dự án có tên đầy đủ là “Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao”; thời hạn 50 năm.

Mục đích của dự án là xây dựng thang máy ngoài trời làm điểm nhấn, tôn tạo, khai thác và sử dụng khu di tích Đồn Cao của thị trấn Đồng Văn; đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch của Đồng Văn; tạo công ăn việc làm cho lao động.

Vị trí xây dựng thang máy cao 102 tầng nằm án ngữ mặt trước của vách núi Đồn Cao nhìn thẳng ra phố cổ Đồng Văn

Vị trí xây dựng thang máy cao 102 tầng nằm án ngữ mặt trước của vách núi Đồn Cao nhìn thẳng ra phố cổ Đồng Văn

Dự án có tổng mức đầu tư gần 19 tỷ đồng do hộ cá thể mang tên ông Nguyễn Văn Dần - một người dân sinh sống ở thành phố Hà Giang làm chủ đầu tư.

Vốn tự có của chủ đầu tư là hơn 3,9 tỷ đồng; 15 tỷ còn lại, chủ đầu tư huy động vốn tín dụng.

Phối cảnh dự án thang máy cao 102 tầng

Phối cảnh dự án thang máy cao 102 tầng

Thời hạn của giấy phép chứng nhận đầu tư là 1 năm; thời gian khánh thành công trình tháng 9/2018. Quá thời hạn nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết sẽ thu hồi dự án.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm; hiện mới thi công được một phần hệ thống khung cột kết cấu thép của hệ thống thang máy thì bị UBND huyện Đồng Văn tạm đình chỉ dự án.

Không phù hợp

Ngày 23/1/2019, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang Hoàng A Chinh ký văn bản thông báo kết quả thẩm định thiết kể cơ sở của dự án.

Bản chất của báo cáo này là tổng hợp ý kiến của các sở, ban, ngành của Hà Giang, gồm: Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Tài nguyên Môi trường; PCCC; UBND huyện Đồng Văn và Ban chỉ huy quân sự tỉnh.

Lô cốt, đồn bốt trên đỉnh Đồn Cao do thực dân Pháp xây dựng. Ảnh: Cỏ biếc

Lô cốt, đồn bốt trên đỉnh Đồn Cao do thực dân Pháp xây dựng. Ảnh: Cỏ biếc

Theo Sở TN-MT, dự án chưa có trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 nên cần được đưa vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của huyện; xác minh di tích Đồn Cao có được xếp hạng di tích lịch sử hay không để lập phương án báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh yêu cầu chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện Đồng Văn kiểm tra thực địa, xác minh tọa độ, vị trí, mức độ ảnh hưởng của dự án do dự án nằm trong thế trận quân sự khu vực phòng thủ của huyện.

Công trường thi công thang máy cao nhất Đông Nam Á tại Đồng Văn đang bị tạm đình chỉ xây dựng

Công trường thi công thang máy cao nhất Đông Nam Á tại Đồng Văn đang bị tạm đình chỉ xây dựng

“Siêu thang máy 102 tầng” mọc ở phố cổ Đồng Văn

“Siêu thang máy 102 tầng” mọc ở phố cổ Đồng Văn

Ngoài ra, theo UBND huyện Đồng Văn, vị trí thực hiện dự án nằm trong khu vực 2 (vành đai xanh) của bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích phố cổ Đồng Văn; đối chiếu với bản đồ quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá thuộc định hướng quy hoạch là đất di tích, không xây mới, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao…

Tổng hợp ý kiến của các sở, ngành, Sở Xây dựng cho biết, thiết kế cơ sở của dự án xây dựng các hạng mục nhà hàng, khách sạn tại khu di tích Đồn Cao là không phù hợp; yêu cầu chủ đầu tư hoàn tất hồ sơ thủ tục theo quy định trước khi tiến hành thi công xây dựng.

Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn

Tại công văn số 2573 ngày 13/6/2018, Bộ VH-TT-DL khuyến cáo chủ đầu tư không xây dựng hệ thống thang máy tại vị trí đề xuất trong dự án; cần chuyển vị trí thang máy về vị trí dự kiến xây dựng nhà xoay; giảm bớt mật độ xây dựng nhà nghỉ trên đỉnh Đồn Cao; không xây dựng các công trình sát vách núi mà cần lùi vào một khoảng cách so với vách núi.

Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu, dự án nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích, vì vậy căn cứ pháp lý của dự án cần bổ sung các văn bản pháp luật về di sản văn hóa. Dự án phải đánh giá hiện trạng địa hình, cảnh quan, môi trường của khu vực dự kiến đầu tư; đề xuất các nội dung bảo vệ di tích, các dấu tích đồn bốt, tường thành… và các giải pháp hạn chế tiêu cực mà dự án có thể gây ra…

Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn

Trao đổi với VietNamNet, chủ đầu tư dự án Nguyễn Văn Dần giải thích: Sự chậm trễ trong việc triển khai dự án do mất nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu, như xây dựng phương án đánh giá tác động môi trường; xin ý kiến dân cư để đồng thuận dự án…

Ông Dần xác nhận, hiện tại đang dừng thi công theo yêu cầu của UBND huyện Đồng Văn để hoàn tất hồ sơ dự án.

Theo thiết kế, siêu thang máy có diện tích bên trong lòng là 15m2, công suất chở 3.500 khách/ngày/đêm. Liền kề với thang máy là hệ thống nhà xoay được thiết kế theo hình ống nhòm; hệ thống 20 phòng nghỉ cao cấp và phòng nghỉ loại 1, nhà hàng, quầy lưu niệm trên đỉnh núi Đồn Cao với diện tích khoảng 5.600m2.

Khi công trình được xây dựng, người dân phố cổ Đồng Văn không khỏi bất ngờ. Nếu công trình hoàn thành, rất có thể, nó sẽ trở thành một khối thép lừng lững dựng theo phương thẳng đứng, án ngữ mặt tiền của vách đá Đồn Cao?.

Kiên Trung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thang-may-102-tang-o-pho-co-dong-van-duoc-xay-dung-roi-tam-dung-the-nao-576950.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong2