'Tháng sóng gió' gọi tên TikTok: Nguy cơ bị cấm cửa hàng loạt giữa giai đoạn hoàng kim
Chưa đầy 1 tháng nhưng nền tảng video ngắn hàng đầu châu Á đã vấp phải khủng hoảng liên tiếp khi bị Ấn Độ 'cấm cửa' và giờ đối mặt với nguy cơ tương tự tại Mỹ, Hàn Quốc và Australia. Điều gì đã xảy ra khiến TikTok liên tục bị đưa vào 'tầm ngắm', thậm chí Ngoại trưởng Mỹ còn gọi ứng dụng này là 'một mối đe dọa an ninh'?
Ra mắt năm 2016, TikTok tuy là mạng xã hội "sinh sau đẻ muộn" nhưng đã nhanh chóng được yêu thích trên toàn cầu. Ứng dụng này thuộc sở hữu của ByteDance, một "gã khổng lồ Internet" tại Trung Quốc. Với hơn 800 triệu người sử dụng và tập trung vào các video ngắn khoảng 15 - 60 giây, mạng xã hội này hiện đã được tải hơn 2 tỷ lần và trở thành nền tảng video ngắn phổ biến nhất trên thế giới.
Tại Mỹ, lượng người dùng TikTok đã cán mốc 3 triệu vào tháng 7 năm nay, tăng 11% so với con số 2,7 triệu của 1 năm trước đó. Tuy nhiên, ứng dụng này đã lọt vào "tầm ngắm" của chính quyền Trump trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh ngày càng căng thẳng, giới quan chức Mỹ lo ngoại TikTok có thể được dùng vào mục đích chia sẻ dữ liệu của người dùng với chính phủ Bắc Kinh, gây nguy hại đến an ninh quốc gia của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo tuyên bố Mỹ "đang xem xét rất nghiêm túc" khả năng cấm cửa những ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, trong đó có TikTok.
TikTok đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc. Công ty này chỉ ra việc có giám đốc điều hành là một người Mỹ và nhấn mạnh TikTok là một phiên bản quốc tế của Douyin - đồng nghĩa các cơ sở dữ liệu được đặt bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Bên cạnh Mỹ, Hàn Quốc cũng đưa TikTok vào danh sách ứng dụng cần theo dõi và điều tra vì nhiều nguyên nhân khác nhau. KCC - cơ quan quản lý hoạt động truyền thông của Hàn Quốc gần đây đã hoàn tất một cuộc điều tra nhằm vào TikTok, sau khi có những nghi ngờ rằng mạng xã hội này đã bí mật gửi dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc. KCC cáo buộc TikTok đã cho phép nhiều người dưới 14 tuổi sử dụng ứng dụng mà không nhận được sự đồng ý của đại diện pháp lý.
Tại Ấn Độ, một trong những thị trường lớn nhất của TikTok, mạng xã hội này cũng bị thẳng tay cấm cửa cùng với hơn 50 ứng dụng khác có liên quan tới Trung Quốc. Lý do xuất phát từ sự lo ngại những ứng dụng này ảnh hưởng đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Ngay sau khi ban hành lệnh cấm, tài khoản chính thức của chính phủ Ấn Độ trên TikTok với hơn 1,1 triệu người theo dõi cũng lập tức bị xóa bỏ.
Tại Australia, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 17/7 cho biết chính phủ nước này đang theo dõi chặt chẽ phần mềm TikTok. xác nhận đã có những lo ngại liên quan tới tới ứng dụng TikTok và vấn đề rò rỉ thông tin người sử dụng, gây mất an ninh quốc gia. Ông cho biết Australia rất chú ý tới những rủi ro đó và luôn theo dõi chúng chặt chẽ. Trong trường hợp cần phải có những biện pháp hành động mạnh mẽ hơn, chính quyền sẽ không ngần ngại để thực hiện.
Đáp lại những ý kiến này, Tổng giám đốc của TikTok Australia, Lee Hunte, khẳng định toàn bộ dữ liệu người dùng Australia được lưu trữ tại Singapore và Mỹ, và chúng chưa bao giờ được cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc.
Trước việc nhiều quốc gia lo ngại vấn đề bảo mật thông tin của TikTok và đề xuất "cấm cửa " ứng dụng, dư luận hiện vẫn có những ý kiến trái chiều. Mới đây, nhóm hacker khét tiếng Anonymous đã đăng tải lời nhắn: "Hãy xóa TikTok ngay" kèm theo đó là những dẫn chứng cho thấy hành vi thu thập thông tin "giống một malware gián điệp hơn là một ứng dụng mạng xã hội cho giới trẻ" của mạng xã hội này.