Thành công nhờ nông nghiệp sạch

Tiên phong đưa những giống cây trồng nhập ngoại về vùng đất mới, chủ động đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ cao vào sản xuất, đến nay, mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm của anh Nguyễn Phí Năng, xã Tam Hồng (Yên Lạc) không chỉ đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình mà còn góp phần tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương. Nhờ mô hình này, anh trở thành 1 trong những nông dân tiêu biểu của huyện Yên Lạc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022 .

Mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao không chỉ đem lại cho gia đình anh Nguyễn Phí Năng, xã Tam Hồng (Yên Lạc) nguồn thu ổn định mà còn tạo việc làm cho 1 số lao động tại địa phương.

Mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao không chỉ đem lại cho gia đình anh Nguyễn Phí Năng, xã Tam Hồng (Yên Lạc) nguồn thu ổn định mà còn tạo việc làm cho 1 số lao động tại địa phương.

Được trực tiếp trải nghiệm và nghe chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, thưởng thức những quả dưa chuột sạch baby Nhật ngon, ngọt ngay tại ruộng của anh Năng trên đồng đất xã Tam Hồng, chúng tôi hiểu hơn sự “dấn thân” để chinh phục niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch của anh.

Không ngại khó, ngại khổ để tiếp cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền chuyển đổi số, hiện nay, gia đình anh Năng đang sở hữu mô hình trồng một số giống dưa nhập ngoại rộng 3.000 m2, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Tốt nghiệp khoa kinh tế nông nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Năng có nhiều năm bươn trải với đủ nghề, từ xây dựng đến kinh doanh nhưng không gặp nhiều may mắn, thậm chí còn thất bại.

Với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, năm 2018, anh Năng cùng một số người bạn mạnh dạn thuê đất, đầu tư, xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và trồng một số giống cây nhập ngoại như dưa ichiba Nhật Bản, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột Nhật, dâu tây tại Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Dù gặp không ít khó khăn, trở ngại về vốn, kinh nghiệm nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, tập trung nghiên cứu tài liệu, sách báo, xem ti vi, mạng xã hội và học hỏi bạn bè, mô hình của anh Năng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với kinh nghiệm sẵn có, năm 2021, anh Năng trở về địa phương, cùng một số cộng sự thuê đất, đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trồng một số giống dưa nhập ngoại với tổng diện tích trên 5.000 m2. Sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, doanh thu đạt trên 450 triệu đồng ngay từ vụ đầu tiên.

Đầu năm 2022, anh Năng thành lập Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp và Xây dựng Hoài Băng, đồng thời mở rộng diện tích nhà màng thêm 2.000 m2, trồng 6.000 gốc dưa leo baby Nhật- Kami 98 ứng dụng công nghệ cao tại xã Tam Hồng (Yên Lạc) với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Ngay vụ đầu tiên, với thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 2 tháng, gia đình anh Năng thu về 120 triệu đồng (bao gồm cả chi phí). Cùng với trồng tiếp dưa leo baby Nhật trên toàn bộ diện tích vừa thu hoạch, anh Năng trồng thêm 1.000 m2 giống dưa vàng nhập ngoại để đa dạng chủng loại, thu hút khách hàng, đồng thời so sánh độ thích nghi của từng loại cây trồng trên vùng đất Tam Hồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm và kết quả đạt được, anh Năng cho biết: Với đặc tính giống tốt, giàu dinh dưỡng, sinh trưởng nhanh, dưa chuột giống Nhật là loại trái cây được nhiều người yêu thích bởi nhiều công dụng đối với sức khỏe và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để thành công từ mô hình nông nghiệp, người trồng cần chi phí đầu tư ban đầu lớn, kỹ thuật chăm sóc cao và sự cần cù, tỉ mỉ. Ngoài diện tích rộng, cần xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt Israel. Phương pháp này có nhiều ưu điểm, bởi phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, hạn chế sự lãng phí nước và đặc biệt “cứu cánh” hữu hiệu cho những vùng khô hạn.

Cùng với đó, công nghệ tưới nhỏ giọt có thể kết hợp với bộ châm phân tự động thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm, giúp phân bón hòa tan trong nước và tiếp xúc trực tiếp với bộ rễ, giúp tối ưu hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng của cây trồng. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, người trồng cần theo dõi thường xuyên, treo dây theo từng giai đoạn, tỉa bớt lá, giúp cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp, thời gian tới, anh Năng tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng một số cây độc, lạ như bí ngô mặt trời, dâu tây… Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật canh tác mới, chủ động nắm bắt nhu cầu và biến động của thị trường để điều chỉnh sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Bài, ảnh Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81331/thanh-cong-nho-nong-nghiep-sach.html