Thanh Hằng, Lãnh Thanh - Chi Pu rủ nhau 'hắc hóa' trong Chị chị em em, nhưng chỉ có một được ủng hộ 'hãy ác đi'
Thuật ngữ 'hắc hóa' ám chỉ những màn biến đổi từ thiện sang ác, từ trắng sang đen của các nhân vật thường được sử dụng rộng rãi trên phim ảnh. Và nếu ta xét toàn cục 'Chị chị em em', cả Thiên Kim, Huy và Nhi đều đã thể hiện rõ khái niệm 'hắc hóa' theo những sắc thái hoàn toàn khác biệt.
*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ tình tiết phim, đọc giả cân nhắc trước khi đọc
Nếu ví Thiên Kim (Thanh Hằng) - Huy (Lãnh Thanh) - Bảo Nhi (Chi Pu) là một tam giác tình ái đầy tội lỗi, xảo trá và lọc lừa, vậy thì, tam giác ấy, có điểm bắt đầu là Thiên Kim và cũng điểm kết thúc cũng chính là ở Thiên Kim. Tất cả chỉ vì, Thiên Kim có tất cả những thứ mà đàn ông thèm thuồng và cả những thứ mà phụ nữ ngưỡng mộ lẫn ganh gét: Sắc đẹp, danh vọng, tiền tài, địa vị.
Không mèo nào chê mỡ, nhưng trước hết, có phải Huy là kẻ máu lạnh, tàn ác ngay từ đầu và Bảo Nhi cũng đã mang bản chất xấu xa trước ngày biết Huy và Thiên Kim? Còn Thiên Kim, phải chăng từ đầu đến cuối cô chỉ là kẻ bị hại nên “con giun xéo mãi cũng quằn” dẫn đến màn báo thù ngoạn mục trong 15 phút cuối phim?
Thuật ngữ “hắc hóa” ám chỉ những màn biến đổi từ thiện sang ác, từ trắng sang đen của các nhân vật thường hay được sử dụng rộng rãi trong phim ảnh. Và nếu ta xét toàn cục Chị chị em em, cả Thiên Kim, Huy và Nhi đều đã thể hiện rõ khái niệm “hắc hóa” theo những sắc thái hoàn toàn khác biệt.
Huy: Dù có vin vào Thiên Kim làm cái cớ, nhưng lòng tham vô độ mới là thứ khiến Huy “hắc hóa” đỉnh điểm
Huy có lẽ sẽ mãi mãi cam phận “thê nô” (ám chỉ những người đàn ông đội vợ lên đầu), ngoan ngoãn làm con rể tập đoàn Empire, cùng lắm chỉ dám mua cái ghế đỏ về nhà rồi treo khẩu hiệu “không ai được đụng” trong căn biệt thự xa hoa mà toàn bộ đều đến từ túi tiền của vợ mình, Thiên Kim, như một cách giữ lại chút tự tôn ít ỏi; cho đến cái ngày, Thiên Kim nhắc đến Vân trên bàn ăn. Huy biết Vân là ai, có “mờ ám” với Thiên Kim trong quá khứ như thế nào, nhưng hắn sẽ nuốt cái cục nghẹn đó xuống được, nếu như Thiên Kim không gạt bỏ câu nói “em, anh và Vân” của Huy rồi đổi thành “Em, Vân và anh”.
Chẳng tên đàn ông nào trên đời, dù cao thượng hay đê hèn nhất, lại cho phép bản thân chỉ “hàng loại hai” trong đời vợ mình, đã thế, lại còn xếp sau một… cô gái khác. Và rồi, âm mưu dùng Nhi để chiếm đoạt tài sản của Thiên Kim nhen nhóm trong Huy từ đây.
Nếu chỉ đơn thuần là để hủy hoại cuộc đời của Thiên Kim rồi nuốt chửng Empire bằng đoạn clip quay lén màn ân ái giữa vợ và Nhi, thì Huy chỉ là kẻ đê tiện, nhưng đi đến bước phá hoại xe của Thiên Kim hòng đẩy cô vào chỗ chết, thì gọi là táng tận lương tâm. Quá trình “hắc hóa” đến tột cùng của Huy xảy ra khi hắn biết được hóa ra đứa con của mình và Thiên Kim đã bị Thiên Kim tước đoạt. Để rồi, đoạn gần cuối phim, ở dưới nấm mồ, Huy gào thét cho bung bét hết ra: “Vì cô giết chết con của tôi”.
Tuy nhiên, Huy chỉ đang biện hộ cho bản thân “hắc hóa” là do Thiên Kim “làm nhục” tự tôn đàn ông của hắn lẫn lấy đi máu thịt của hắn mà thôi, bởi vì hắn cũng định đoạt mạng của mẹ con Nhi cơ mà, đó cũng là con của hắn đấy? Giết Nhi, chính là bằng chứng quá rõ rệt của một kẻ đã chạm tới điểm đáy của nhân tính như Huy.
Huy chỉ vì sợ trở về cảnh bần hàn thời còn là thợ sửa xe, nên hắn không những “để leo lên thì phải nằm xuống”, dùng mưu sâu kế hiểm, mà còn bán linh hồn cho quỉ dữ, máu mủ ruột thịt cũng chẳng cần. Không có gì để tha thứ cho màn “hắc hóa” một nửa đến từ sự tự ti, khiếp nhược, nửa kia đến từ lòng tham vô độ này của Huy!
Nhi: “Hắc hóa” vì tình yêu sai trái và ảo vọng phù phiếm
Nhi yêu Huy, yêu đến độ có thai với hắn, yêu đến độ răm rắp nghe theo lời hắn, dù biết hắn đã có vợ, rồi từng bước cuốn vào màn kịch quyến rũ Thiên Kim. Nhi vô cùng ngây thơ, cô nghĩ, chỉ cần công bố cho cả thế giới biết bí mật của Thiên Kim, thì mọi thứ của Thiên Kim sẽ thuộc về mình. Vậy thì, bản chất cô gái này là như thế nào?
Là cô gái Hóc Môn nghèo khó, có mẹ xuốt ngày say xỉn nghiện rượu; Nhi sớm đã phải nếm trải mọi thứ từ tầng lớp thấp nhất, hoàn toàn không phải là “gái ngoan” từ cách ăn mặc, cho đến lời ăn tiếng nói.
Nhưng như vậy không đủ để khẳng định là Nhi xấu xa, cho đến ngày cô bắt tay với gã nhân tình Huy dàn dựng màn kịch lừa tình lẫn lừa tiền Thiên Kim. Có thể khẳng định, quá trình “hắc hóa” của Nhi hoàn toàn khác Huy, nhưng xét về bản chất của sự nhẫn tâm thì không khác là bao. Huy có thể giết chết thể xác Thiên Kim nhưng Nhi mới là kẻ đâm dao vào trái tim của Thiên Kim. Lừa gạt tình cảm người khác, nhất là một người hết lòng đối xử chân thành, thật lòng với mình, cũng là một tội ác bất dung.
Cũng may mắn là đến giờ chót, Nhi đã nhìn ra bộ mặt thật của Huy và kịp thời thức tỉnh (dù vẫn rất trễ tràng), và đứng về phía Thiên Kim. Song không có lời xin lỗi thật tâm nào gửi đến Thiên Kim cả. Có thể nói, Nhi “hắc hóa” chính là bởi những ham muốn hão huyền, cùng một tình yêu sai trái và cả những suy nghĩ lệch lạc kiểu như “Vì em muốn có cuộc sống giống như chị” mà ra. Tuy vậy, Nhi vẫn còn biết “quay đầu là bờ”. Trong giây phút sinh tử, ta cũng đã thấy Nhi gần như nhận ra toàn bộ hậu quả của những chuyện mình đã gây ra cho Thiên Kim và cho cả chính mình.
Thiên Kim: “Hắc hóa” vì “Ma cao một thước, đạo cao một trượng”
Cuối cùng, là Thiên Kim. Cô bị hai người mình yêu thương nhất đẩy tới chỗ gần như mất mạng, chỉ vì cô là Thiên Kim, là đại tiểu thư tập đoàn Empire từ lúc sinh ra, cùng lòng trắc ẩn dào dạt và những niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người.
Thiên Kim là người “hắc hóa” cuối cùng trong tam giác tình yêu này, nhưng cũng là người khiến khán giả hài lòng khi trở nên đáng sợ nhất, chính là vì Thiên Kim xứng đáng được có kết cục tốt đẹp hơn Huy hay Nhi, cũng như lí do để cô “hắc hóa” nó hoàn toàn hợp tình hợp lí. Huy và Nhi có quyền từ chối để bản thân “hắc hóa”, nhưng Thiên Kim thì không, đó là con đường duy nhất cô phải đi sau khi thoát chết khỏi vụ tai nạn xe được gián tiếp gây ra bởi Huy.
Người ta hay nói “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”, nhưng trong trường hợp báo thù của Thiên Kim thì là “Ma cao một thước, đạo cao một trượng”. Đạo ở đây là công đạo cho chính bản thân và chính nghĩa cần được Thiên Kim thực thi. Nếu “hắc hóa” vì chữ “đạo” như thế này, thì “hắc hóa” đó không sai! Trên đời này, không phải lúc nào cũng “ở hiền gặp lành” và chờ trời cao hạ quả báo cho kẻ ác.
Bạn cảm thấy Thiên Kim chôn sống Huy là còn nhẹ? Không hề! Nếu trải qua cảm giác gần như bị chôn sống bởi cái người tưởng đã chết rồi, thì ắt hẳn Huy cho là mình có thể hoặc đã bị điên, hoặc đã gặp… ma.
Bạn cảm thấy Thiên Kim nhồi Huy phía sau cốp xe rồi quăng ngược trở về mảnh đất trơ trọi hắn từng ở thuở hàn vi khi chỉ còn cái quần che thân là còn nhẹ? Không hề! Thiên Kim còn sống và trở về, tức là cả thế giới này đều đã biết âm mưu tệ hại của Huy, bộ mặt thật của Huy đã bị vạch trần. Chẳng thà chưa có gì, nhưng một khi đã có gì nhưng lại đánh mất, với một kẻ đã từng nhẫn nhục chịu đựng và ở gần ngưỡng cửa thiên đường như Huy, tác giả bài biết e là quãng đời còn lại, hẳn là Huy sẽ phải tìm bác sĩ tâm lí dài dài vì không thể chấp nhận sự thật tàn khốc mà rất đáng đời với hắn. Có những cuộc sống còn tệ hơn cái chết rất nhiều!
Thiên Kim cho Nhi một cú tát vẫn nhẹ? Cũng không nốt! Nhiều khán giả đời hỏi lẽ ra Thiên Kim nên hủy hoại bào thai trong bụng Nhi thì đó vẫn là màn “ăn miếng trả miếng” thường tình. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ, nếu Nhi thực lòng thực dạ dù chỉ một chút với Thiên Kim, đứa con của cô đã có “mẹ nuôi”, thay vì đứa bé sinh ra sẽ không có cha (sẽ không thể nào có chuyện Nhi thứ tha cho Huy sau khi hắn dùng búa đập đầu cô), lẫn cũng chẳng có “mẹ nuôi” nào nữa. Sau cùng, Nhi lại là cô gái nghèo khó nay phải bảo bọc thêm một sinh mạng nhỏ bé, tàn dư từ màn “hắc hóa” chẳng tới nơi tới chốn của mình.
Ba nhân vật chính của Chị chị em em, đều có lí do để “hắc hóa”, họ đã làm và phải chịu trách nhiệm những gì đã làm, một cách hoàn toàn thích đáng.
So với hai bạn diễn nữ, Lãnh Thanh miêu tả độ tha hóa của Huy thông qua ngôn ngữ hình thể nhiều hơn, vì Huy là người đàn ông giả dối với cả vợ lẫn người tình, nên thường che giấu tâm cơ dưới lớp vỏ bọc đĩnh đạc, hào hoa, đôi khi là nhu nhược. Đặc biệt là phân cảnh Huy vuốt tóc rồi nhảy múa cùng Nhi trong đêm Giáng sinh để ăn mừng kế hoạch đã thành công mĩ mãn dưới tông màu đen đỏ đầy dục vọng và dã tâm, khi ấy, Huy chính xác hiện ra như một con quái vật có thịt, có máu nhưng không có tim.
Phải thừa nhận Chipu đã tiến bộ rất nhiều thông qua vai Nhi, những biểu cảm trên gương mặt của Chipu vô cùng linh hoạt, ngay cả cơ miệng khi cười đểu cũng trở nên bén, hiểm ác hơn.
Chipu dễ dàng thể hiện những trường đoạn Nhi “giả nai”, yếu đuối vì đó chính là sở trường của cô trong các vai cũ lúc trước, song khi biến đổi thành một cô gái lẳng lơ, toan tính, Chipu thực sự khiến khán giả vừa ghét cay đắng, vừa thương xót Nhi.
Thanh Hằng đã có hai phân cảnh “giải phóng cảm xúc” đầy giằng xé, mãnh liệt trên xe hơi, nên khi tới đoạn Thiên Kim “hắc hóa”, người xem ngỡ sẽ thấy Thanh Hằng có màn trình diễn bùng nổ nhất từ trước đến nay. Nhưng Thanh Hằng đã chọn một lối diễn khác, “trong lửa có băng”, trong sôi sục hận thù có đè nén; vì khi ấy, Thiên Kim là người đã “chết một lần”, không một ai có thể làm đau cô ấy, không còn ai có thể giết cô ấy thêm lần nào nữa. Trên tất cả, Thiên Kim vẫn là người tốt, biết giới hạn và biết điểm dừng, cũng như chọn ra phương thức hợp lí nhất, khôn ngoan nhất, để hai kẻ thù của mình “sống không được, chết cũng không xong”, mà tay vẫn không cần nhuốm máu.
Trailer “Chị chị em em”
Chị chị em em công chiếu các rạp toàn quốc từ 20.12.2019.