Thanh Hóa: Hàng chục học sinh 'cược' mạng sống qua sông bằng bè mảng

Nhiều thập kỷ qua, 68 hộ dân với 263 nhân khẩu thôn Thanh Cao, xã Thọ Thanh, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa phải vượt sông Chu bằng bè, đò mỗi ngày để đi làm, ra trung tâm xã. Việc di chuyển bằng bè mảng qua sông tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn giao thông, nhất là đối với hàng chục học sinh phải thường xuyên qua lại mỗi ngày. Mong có một cây cầu kiên cố là điều người dân nơi đây mơ ước.

Ngày 2 lượt em N.V.T. (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thọ Thanh) vượt sông Chu bằng bè cùng chúng bạn để đến trường. Khi T. vào lớp 1, mỗi lần đi học, T. được bố mẹ cùng lên bè qua sông, còn giờ đây T. tự đi xe đạp ra bờ sông Chu đợi và đi cùng các bạn.

T. cho biết: "Nếu không đi bằng đường thủy, cháu phải dậy thật sớm, di chuyển cả giờ đồng hồ mới có thể đến lớp. Trước kia, khi mới đi, cháu thường ôm lấy chân bố mẹ, nay đi nhiều thành quen. Giờ đây cháu đỡ sợ hơn nhưng đến hôm nào nước to, chảy xiết, cháu cũng lo lắm".

Các cháu học sinh tiểu học chờ bè qua sông đến trường

Các cháu học sinh tiểu học chờ bè qua sông đến trường

T. chỉ là 1 trong số 47 học sinh thuộc 3 cấp học (cấp 1, 2, 3) vượt sông Chu bằng đò để đến trường. Em N.T.H., học sinh lớp 7 Trường THCS Thọ Thanh tâm sự: "Cháu ước có một cây cầu để đi học không phải xắn quần, lội nước để lên bè nữa. Nhà cháu cả gia đình đều phải đi đò để đi làm, đi học. Tới đây, em trai cháu vào lớp 1, cháu mong em cháu được đi bằng cầu chứ không phải lênh đênh trên bè như cháu nữa".

10 năm nay, bà Nguyễn Thị Xuân (62 tuổi) không thể nhớ mình đã đưa bao nhiều chuyến đò qua sông. Bình quân mỗi ngày bà chở hơn chục chuyến đò cập bến, mỗi chuyến cả chục con người.

Để đi học, đi làm, ra trung tâm xã, người dân cũng như học sinh đều phải vượt sông bằng bè.

Để đi học, đi làm, ra trung tâm xã, người dân cũng như học sinh đều phải vượt sông bằng bè.

Chiếc bè bà Xuân lái dài khoảng 10m, rộng 2m. Mỗi lần chở được 10 người cùng vài ba phương tiện. Với một sợi dây thừng dài gần trăm mét được cố định từ hai bên bờ, bà Xuân cứ dùng 2 tay bám vào sợi dây rồi luân phiên đổi tay cho chiếc bè lướt ngang dòng sông.

Sông Chu nước chảy xiết, hành khách cùng người lái đò cứ lắc lư, xiêu vẹo. Cứ tuần tự, lần lượt, trong khoảng chưa đầy 30 phút, bà Xuân đã đi được 5 chuyến bè, đưa hơn 40 cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 qua sông an toàn.

Được biết, thôn Thanh Cao có 68 hộ dân, 263 nhân khẩu trong đó có đó có 47 học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 phải qua sông mỗi ngày 2 lần. Vào mùa mưa bão hoặc khi thủy điện Cửa Đạt và Xuân Minh xả lũ, mực nước sông Chu dâng cao, chảy xiết khiến các cháu phải nghỉ học ở nhà để đảm bảo an toàn.

Những chuyến đò chòng chành hàng ngày đánh cược với mạng sống để qua sông

Những chuyến đò chòng chành hàng ngày đánh cược với mạng sống để qua sông

Ông Lục Văn Biên - Trưởng thôn Thanh Cao chia sẻ: "Từ xa xưa, người dân thôn Thanh Cao vẫn đi bè, rồi đò qua sông Chu để đi làm đồng. Không có một cây cầu kiên cố để người dân đi lại, khiến cho việc giao thương gặp nhiều bất cập. Người dân sợ nhất là khi sửa chữa nhà cửa, lúc ốm đau, sinh đẻ phải đi cấp cứu, nếu gặp phải hôm nước dâng cao thì khó khăn vô cùng".

Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Thu Phương, Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh cho biết thêm: "Đi bè, đi đò qua sông rất nguy hiểm nhưng địa phương cũng lực bất tòng tâm vì không có vốn để đầu tư làm cầu kiên cố. Trong nhiều năm qua, để đảm bảo an toàn, xã cũng đã trang bị thêm áo phao cho các thuyền bè, cùng với đó là lắp thêm camera để giám sát việc chở người qua sông.

Tháng 9/2020, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tổ Rồng với số vốn 92 tỷ đồng. Có thể, cuối năm nay dự án sẽ được khởi công xây dựng, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành. Khi đó, người dân thôn Thanh Cao sẽ có thể đi qua cầu sang thẳng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chỉ mất khoảng 10-20 phút".

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thanh-hoa-hang-chuc-hoc-sinh-cuoc-mang-song-qua-song-bang-be-mang-172211110162314027.htm