Thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh: Cấp ủy đồng thuận, nhân dân đồng tình

Việc thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, thống nhất. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ, kiểm sát viên Viện KSND huyện Yên Lạc thường xuyên trau dồi đạo đức, nâng cao công vụ, nói không với tham nhũng, tiêu cực

Cán bộ, kiểm sát viên Viện KSND huyện Yên Lạc thường xuyên trau dồi đạo đức, nâng cao công vụ, nói không với tham nhũng, tiêu cực

Hội nghị lần thứ 5 Khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn, thống nhất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC). Đồng thời, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm tạo ra những chuyển biến đột phá, thể hiện sự quyết tâm cao hơn trong công tác PCTN, TC của Đảng.

Xung quanh vấn đề này, ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh ra sao? Vấn đề đặt ra khi thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN, TC là gì?

Qua hơn 10 năm thành lập BCĐ Trung ương về PCTN, TC, không ít vụ việc tham nhũng, tiêu cực quy mô lớn, phức tạp đã được làm rõ, công tác phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại Vĩnh Phúc, trong những năm gần đây, tình hình tham nhũng, tiêu cực đã được kiềm chế và kiểm soát. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân với cấp ủy các cấp, chính quyền trong công tác PCTN.

Số vụ việc về tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng giảm. Năm 2021 giảm 4 vụ, giảm 15 bị can liên quan đến TNTC so với cùng kỳ năm 2020. Tuy có chiều hướng giảm về số vụ, nhưng tính chất, mức độ phức tạp hơn, xảy ra ngay trong cơ quan, chính quyền địa phương.

Công tác quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; mua sắm tài sản công có nguồn vốn từ ngân sách; công tác tổ chức cán bộ… còn lỏng lẻo, tạo khe hở dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Đồng tình với chủ trương thành lập BCĐ PCTNTC cấp tỉnh, Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trước những tồn tại, tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, đòi hỏi công tác PCTN cần phải được làm thường xuyên, quyết liệt.

Việc thành lập BCĐ PCTN, TC của tỉnh là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Qua đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN, TC sẽ tập trung, toàn diện, quyết liệt và hiệu quả hơn.

BCĐ PCTN, TC sẽ tạo áp lực trong kiểm soát quyền lực chính trị, kiểm soát trách nhiệm công vụ đối với hoạt động PCTN của các cơ quan, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn, từ đó, hạn chế số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, góp phần ổn định tình hình ANCT.

Qua theo dõi trên báo chí, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) Tạ Trường Luân cho rằng, thời gian qua, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ chưa đạt hiệu quả cao.

Đa số các vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý qua tin báo tội phạm, đơn thư tố cáo của công dân. Do đó, khi BCĐ PCTN, TC cấp tỉnh được thành lập sẽ nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC, hoạt động PCTN, TC sẽ toàn diện, khách quan hơn.

Ngành Thanh tra đóng vai trò quan trọng, là cơ quan “gác cửa” của tỉnh trong công tác PCTN, TC. Nêu quan điểm về Đề án thành lập BCĐ PCTN, TC cấp tỉnh, Phó Chánh thanh tra tỉnh Phạm Hồng Thu cho biết: Việc thành lập BCĐ PCTN, TC cấp tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm phòng chống tham nhũng từ sớm, từ xa; công tác PCTN, TC có sự thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Mô hình BCĐ PCTN, TC cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban nên công tác chỉ đạo sẽ quyết liệt, thống nhất, hiệu quả hơn.

Công tác PCTN, TC là lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, là vấn đề được cán bộ, đảng viên, nhân dân và các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một mô hình về PCTN, TC nào tối ưu.

Vấn đề đặt ra là sau khi thành lập, BCĐ PCTN, TC ban hành cơ chế hoạt động, giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cho từng thành viên BCĐ, trong đó vai trò người đứng đầu BCĐ rất quan trọng, cần quyết liệt, công tâm, khách quan, tránh tình trạng nể nang, né tránh. Thành phần BCĐ cần đảm bảo sự độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, để thể hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan PCTN, TC.

Việc thành lập BCĐ PCTN, TC không nằm ngoài mục tiêu làm trong sạch bộ máy nhà nước, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả trong công tác PCTN, TC của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với quyết tâm của cấp ủy Đảng, niềm tin, sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những tín hiệu vui khi BCĐ PCTN, TC của tỉnh được thành lập.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/77623/thanh-lap-bcd-phong-chong-tham-nhung-cap-tinh-cap-uy-dong-thuan-nhan-dan-dong-tinh.html