Thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, nên hay không?

Một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm, đưa ra nhiều ý kiến tranh luận về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (DSVH) sửa đổi ở phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua chính là việc nên hay không nên thành lập Quỹ Bảo tồn DSVH Việt Nam.

Theo dự thảo luật, Quỹ Bảo tồn DSVH Việt Nam được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quản lý nhằm huy động nguồn lực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Những DSVH này chưa được ngân sách bố trí kinh phí hoặc kinh phí chưa đủ để tu bổ, nhất là các di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt đang có nguy cơ bị hủy hoại. Bên cạnh đó, nguồn quỹ này còn được tập trung cho công tác sưu tầm và bảo quản hiện vật, mua và đưa các hiện vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; mua và bảo quản các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt ở trong nước; sưu tầm các bộ sưu tập và trưng bày DSVH Việt Nam tại các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Với mục đích này, rõ ràng việc thành lập Quỹ Bảo tồn DSVH Việt Nam là rất cần thiết, bởi nó giải được “cơn khát” bấy lâu nay của ngành văn hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của DSVH. Dù đã có những chính sách khuyến khích, động viên trong việc kêu gọi xã hội hóa cho bảo tồn DSVH, song vẫn theo kiểu mạnh địa phương nào địa phương đó làm, chưa có sự thống nhất về nguồn quỹ. Vì thế, nếu xây dựng được Quỹ Bảo tồn DSVH từ Trung ương đến địa phương, có quy chế hoạt động rõ ràng, minh bạch, công tác phát huy hiệu quả các DSVH hy vọng sẽ ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc ra đời và duy trì hoạt động của nhiều loại quỹ hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng vi phạm quy chế hoạt động của quỹ; chi tiêu thiếu công khai, minh bạch dẫn đến những lùm xùm đáng tiếc. Đặc biệt, đã và đang xảy ra những vụ kiện cáo, liên quan đến việc sử dụng các nguồn quỹ, thậm chí có người phải ra tòa, bị xử lý hình sự vì vi phạm pháp luật.

Hiện nay, rất ít địa phương trong cả nước thành lập được Quỹ Bảo tồn DSVH và hoạt động hiệu quả. Hình thức chủ yếu vẫn được các địa phương áp dụng là kêu gọi xã hội hóa và di tích thuộc cấp nào quản lý, cấp đó sẽ trực tiếp sử dụng nguồn tiền huy động được cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đồng Nai cũng đang thực hiện theo phương án này. Do đó, nếu được quy định cụ thể trong luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương huy động mạnh mẽ hơn nguồn lực để chăm lo, bảo vệ di sản. Đây là cơ hội song cũng là thách thức, nhất là trong việc đảm bảo quỹ phát triển đúng hướng, công khai và minh bạch.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202410/thanh-lap-quy-bao-ton-di-san-van-hoa-nen-hay-khong-ed8731f/