Thanh long Bình Thuận xuất qua Nhật Bản phải nặng từ 300g trở lên
Sau gần 3 năm đăng ký, thanh long Bình Thuận đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Ngày 29-12, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị Công bố cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản.
Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký với nhiều thủ tục rất phức tạp, ngày 7-10-2021, chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản với số văn bằng 110.
Trước đó, thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào tháng 11-2006 và đến tháng 7-2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.
Đây là sản phẩm nước ngoài thứ 3 và là sản phẩm thứ 2 sau vải thiều Lục Ngạn của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Nhật Bản là một thị trường khó tính, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe nên việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại nước này vô cùng phức tạp. Tiến trình kéo dài gần ba năm và thực sự là một quá trình khó khăn, phức tạp.
Trái thanh long vào thị trường Nhật Bản phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có trọng lượng từ 300g trở lên; sản phẩm phải phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường của Nhật Bản và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi vào được thị trường này.
Đến nay, sản phẩm thanh long mang chỉ dẫn địa lý Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng nước này tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn.
Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận đối với thị trường này. Từ đó mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính ở châu Âu.
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 33.000 hecta thanh long với sản lượng thu hoạch hơn 700.000 tấn. Hiện có năm địa phương đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu gồm: huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và TP Phan Thiết. Các địa phương này cũng là nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh. Muốn đứng vững trên thị trường Nhật Bản, tỉnh Bình Thuận cần nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là Hiệp hội thanh long Bình Thuận.
Tiếp đó là nhận thức của người nông dân, tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo đặc tính của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang Nhật Bản như đã đăng ký.