Thành phố của tôi
Gắn bó với TP Hải Dương hơn 30 năm nay, từng ngày chứng kiến sự thay da đổi thịt, vươn lên kỳ diệu của mảnh đất này nên tôi càng yêu hơn thành phố nhỏ của mình.
Tuy sinh ra và lớn lên ở một làng quê huyện Tứ Kỳ nhưng từ năm 18 tuổi, tôi có cơ duyên gắn bó với TP Hải Dương suốt 3 năm học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (1992-1995). Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi sống tại xã Ái Quốc (Nam Sách), cách thành phố chỉ một cây cầu. Năm 2008, thành phố mở rộng địa bàn, Ái Quốc được sáp nhập vào và tôi chính thức trở thành công dân của TP Hải Dương.
Gắn bó với thành phố hơn 30 năm nay, được từng ngày chứng kiến sự thay da đổi thịt, vươn lên kỳ diệu của mảnh đất này nên vốn đã yêu rồi lại càng yêu hơn thành phố nhỏ của mình.
Còn nhớ, tháng 2.1992, lần đầu tiên tôi bỡ ngỡ theo mẹ đạp xe lên thị xã Hải Dương. Lúc đó, Hải Dương là một thị xã nhỏ bé chỉ vỏn vẹn mấy con đường chính. Trong ký ức của tôi, khi đó dân cư của thị xã còn thưa thớt. Nhà mặt phố cổ điển, cao nhất cũng chỉ tầm hai, ba tầng, thâm thấp, lúp xúp dưới những tán cây xanh. Những con đường nhựa cũ mèm, lỗ rỗ ổ gà lớn nhỏ, mùa mưa phùn về ướt nhẹp, nhớp nhúa một lớp bùn đất mỏng tang, tuy không làm kẹt bánh xe như đường đất ở làng quê nhưng cũng khiến cho người ta cảm thấy sự đìu hiu, buồn bã của những ngày mưa dầm thiếu ánh sáng mặt trời.
Lúc đó, người ta đi lại trong thị xã chủ yếu là xe đạp. Xe gắn máy tuy có nhưng lác đác, thưa thớt. Các thầy cô của tôi dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm cũng đến trường bằng chiếc xe đạp có chiếc khung cũ kỹ, họa hoằn lắm mới có một hai thầy đi xe đạp Mipha hay xe máy Dreams. Lúc ấy, chiếc Dreams II, thậm chí là chiếc xe Cup 82 thôi cũng đã là giấc mơ xa xỉ của đại đa số người dân, bằng cả một cơ nghiệp ấy chứ. Còn sinh viên chúng tôi thì tuyệt nhiên chưa bao giờ dám mơ tưởng hay nghĩ đến.
Thế mà lạ lắm. Hải Dương lúc đó tuy còn đơn sơ, nhỏ bé và chưa giàu nhưng sao trong lòng tôi lại thấy mến yêu cái thị xã nhỏ này đến thế! Tôi yêu mái trường đang học có chiếc giảng đường 3 tầng mới toanh, đẹp đẽ với dòng chữ "Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương" đầy kiêu hãnh. Tôi yêu con đường quen, thu về se se lạnh, ngan ngát mùi hương hoa sữa, sau giờ tan học lại có một người con trai lớp bên cạnh âm thầm đạp xe "trồng cây si" ở phía sau, để rồi bất chợt quay lại, gặp ánh mắt và nụ cười của người ấy khiến con tim tôi bối rối, thẹn thùng, má tôi đỏ bừng, lòng tôi như có dòng điện chạy qua, rất lạ. Tôi yêu thầy cô giáo của tôi, tuy đời sống còn gieo neo nhưng vẫn tận tụy với nghề trồng người, nghề gieo hạt, ươm mầm cho tương lai.
Vậy mà thấm thoắt thoi đưa, thị xã Hải Dương nhỏ bé ngày nào giờ đã là một thành phố đang thay da đổi thịt, vươn lên, mở mang, phát triển từng ngày. Những con đường mới mở rộng dài, phẳng phiu, sáng bóng, sạch sẽ như lụa là. Những bệnh viện, trường học khang trang, hiện đại. Trung tâm Văn hóa Xứ Đông uy nghi, đẹp đẽ. Phố đi bộ Bạch Đằng sầm uất, đông vui. Những khu dân cư, chợ búa, siêu thị sáng sủa; những tòa nhà cao tầng quy hoạch hiện đại... Tất cả đã đem đến cho thành phố một diện mạo tươi mới, tràn đầy sinh lực, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Nơi tôi ở, trước đây là thôn, xã, giờ đã được nâng cấp, phát triển thành phường. Con đường dẫn vào làng tôi, trước đây nhỏ hẹp, chắp vá, giờ được mở rộng hai làn xe tránh nhau thoải mái, đổ bê tông sáng bóng. Chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu ấy, lòng tôi trào dâng một niềm hạnh phúc, tự hào, mừng vui khôn xiết. Hải Dương quê tôi đang từng ngày phát triển.
Đặt tay lên trái tim, tôi lắng nghe con tim đang thầm thì nói những lời yêu thương dành cho thành phố của tôi. Có cả những lời thầm thì tri ân, biết ơn chân thành, da diết, bởi từ nơi đây tôi đã được học tập, lao động, công tác, cống hiến, nuôi dưỡng, trưởng thành và gắn bó thủy chung son sắt với quê hương, xứ sở của mình.