Thành phố đẩy mạnh chương trình OCOP

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), thành phố Sơn La đã có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao và 5 sao. Các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP được tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ bao bì, tem nhãn, xây dựng thương hiệu sản phẩm và kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhà xưởng sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị phần, tăng doanh thu, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Gian hàng trưng bày sản phẩm bộ dao, dĩa tre của Công ty cổ phần tập đoàn tre Sơn La.

Gian hàng trưng bày sản phẩm bộ dao, dĩa tre của Công ty cổ phần tập đoàn tre Sơn La.

Nghề nuôi ong mật thu hút được nhiều hộ trên địa bàn Thành phố tham gia. Ông Hồ Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hội ngành nghề nông nghiệp, nông thôn tỉnh, nhà ở tổ 2, phường Chiềng Sinh, chia sẻ: Tôi đã có thâm niên 56 năm nuôi ong lấy mật, có thời điểm đàn ong lên đến trên 1.000 đàn, thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Nay tôi chỉ duy trì nuôi 200 đàn, còn lại truyền lại kinh nghiệm cho người thân trong gia đình mở rộng quy mô nuôi. Mật ong Sơn La thường được khai thác 4 vụ ở các nguồn hoa khác nhau như: Mật hoa cỏ lào khai thác từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau; mật ong hoa dẻ, hoa rừng từ tháng 2 đến tháng 5; mật ong hoa nhãn, hoa ban từ tháng 3 đến tháng 4; mật ong hoa đơn kim từ tháng 8 đến tháng 10 và còn nhiều loại cây rừng khác để ong hút mật… Từ đó, tạo ra sự khác biệt về hương vị và chất lượng cho các loại mật. Tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", tôi được hỗ trợ bao bì, tem nhãn; tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh. Đến nay, mật ong Sơn La ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Với mong muốn xây dựng thương hiệu mật ong Sơn La nói chung và mật ong Hồ Sâm nói riêng ngày càng phát triển, ông Sâm và các cộng sự đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến mật ong đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, mật ong Sơn La đã được cấp chứng nhận thương hiệu, riêng sản phẩm mật ong của gia đình ông Sâm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.

Ngoài "Mật ong Sơn La", Thành phố đã hỗ trợ xây dựng được 7 sản phẩm OCOP, gồm: Sản phẩm bột cà phê nguyên chất và trà quả cà phê của HTX Cà phê Bích Thao Sơn La; sản phẩm thịt trâu gác bếp và sản phẩm lạp xưởng Hoa Xuân của hộ kinh doanh Tòng Ngọc Hoa; sản phẩm ống hút; bộ dao; dĩa tre của Công ty cổ phần tập đoàn Tre Sơn La. Trong đó, sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Ngày 11/2/2022, UBND Thành phố Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND triển khai, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2022. Theo đó, UBND Thành phố đã giao Phòng Kinh tế Thành phố chủ trì, tham mưu cho UBND Thành phố triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các văn bản của cấp trên để thực hiện Chương trình; tham mưu cho Thành phố danh sách sản phẩm, chủ thể đăng ký tham gia Chương trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức từ 1-2 lớp tập huấn, với số lượng dự kiến 30 người/1 lớp; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh đăng ký, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình, tham gia các hội chợ nông sản, hội chợ thương mại, triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Thực hiện Chương trình, ngày 1/3, UBND Thành phố ban hành Công văn số 501/UBND-KT về đăng ký lớp tập huấn giới thiệu cổng thông tin thương mại điện tử http://ketnoiocop.vn; ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục sản phẩm hỗ trợ chuẩn hóa tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Sơn La. Đồng thời, giao dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển 4 sản phẩm, gồm: Hương trầm của HTX Hoa Phượng Đỏ; sản phẩm mận sấy dẻo, mơ sấy dẻo của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hải Đăng; sản phẩm chẩm chéo của hộ kinh doanh Cát Thị Oanh.

Là một trong những doanh nghiệp có sản phẩm tiềm năng, chị Lê Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và thực phẩm Hải Đăng, phường Quyết Thắng, nói: Hiện nay, Công ty phát triển được 15 sản phẩm hoa quả sấy dẻo, sấy khô, kẹo dẻo và rượu vị trái cây. Tôi đăng ký tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Thành phố 2 sản phẩm: Mận sấy dẻo và xoài sấy dẻo. Tham gia Chương trình sẽ giúp tôi có cơ hội được tham gia các lớp tập huấn, các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, phát triển thị trường. Tôi rất mong sẽ được tỉnh, thành phố hỗ trợ dây chuyền sục rửa trái cây để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhà xưởng sản xuất hoa quả sấy của Công ty TNHH Công nghệ và Thực phẩm Hải Đăng.

Nhà xưởng sản xuất hoa quả sấy của Công ty TNHH Công nghệ và Thực phẩm Hải Đăng.

Để Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có sản phẩm tiềm năng tham gia, thời gian tới, thành phố Sơn La tiếp tục tuyên truyền, rà soát, hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP; đề xuất ý tưởng sản phẩm, xây dựng phương án và triển khai kế hoạch kinh doanh; tiếp tục có chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thanh-pho-day-manh-chuong-trinh-ocop-48760