Thành phố Hà Nội: Cân đối thu, chi ngân sách đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Với sự quyết tâm, đồng lòng trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm của TP. Hà Nội đã đạt được những kết quả cơ bản; cân đối thu - chi ngân sách luôn được đảm bảo.

Nâng dần tỷ trọng thu từ thuế, phí và giảm dần các khoản thu từ đất

Số liệu từ Sở Tài chính Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021. “Nguồn thu NSNN tiếp tục được cơ cấu theo hướng ổn định, bền vững với việc nâng dần tỷ trọng thu từ thuế phí và giảm dần các khoản thu từ đất” – báo cáo của Sở Tài chính nêu rõ.

Bên cạnh đó, chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn Sở Tài chính Hà Nội. Đồ họa: Nguyên Phương

Theo ông Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh và lan rộng, đặc biệt là trong những tháng đầu năm. Vì vậy, để đảm bảo kết quả thu ngân sách, ngay từ đầu năm thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai, góp phần giảm bớt chi phí, thời gian và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp…

UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan thành phố phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành của thành phố tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về NSNN và thuế, phí, lệ phí, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN…

Cùng với đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chi ngân sách các cấp; quản lý, điều hành chi ngân sách bám sát dự toán được HĐND thành phố giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

"Thành phố đã cơ cấu lại các khoản chi NSNN theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại các khoản chi ngân sách. Đồng thời, ngân sách các cấp chủ động tổ chức điều hành chi theo dự toán ngân sách, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc…" - ông Nguyễn Xuân Lưu nhấn mạnh.

Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước

Cũng theo Sở Tài chính Hà Nội, mặc dù dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội dần ổn định, các chỉ số kinh tế dần hồi phục và phát triển nhưng những rủi ro tiềm ẩn, khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm còn rất lớn và khó lường, như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng... Do vậy, để tạo đà phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2022 ở mức cao nhất cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; các ngành, các cấp sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2022.

Theo đó, thời gian tới các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nuôi dưỡng, chống xói mòn nguồn thu; nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu. Cùng với đó, tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.

Thu hồi các khoản nợ nhà chuyên dùng trong quý III/2022

Hiện nay số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng trên địa bàn Hà Nội là khoảng 1.200 tỷ đồng và thành phố chưa thu hồi được. Với trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vấn đề, trong quá trình phát sinh các khoản nợ này, Sở Tài chính Hà Nội sẽ khẩn trương cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phân loại sơ bộ, đôn đốc thực hiện, sớm có kế hoạch thu hồi các khoản nợ trong quý III/2022. Trong trường hợp cần thiết thì đề xuất thành phố thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.

Cơ quan thuế, hải quan theo dõi sát tiến độ thu, thực hiện phân tích, nhận diện và đánh giá kết quả thu ngân sách để kịp thời triển khai các giải pháp quản lý thu, khai thác tăng thu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm hoàn thành toàn diện và vượt mức dự toán thu NSNN năm 2022 được giao…

Thành phố cũng chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan và các đơn vị liên quan theo dõi sát sao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi chây ỳ nợ thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc về quy trình, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai để đảm bảo hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất được giao…

Đối với nhiệm vụ chi ngân sách, thành phố tiếp tục tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; kiểm tra, đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Cụ thể, chủ động điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương các cấp, tổ chức chi ngân sách theo dự toán, khả năng thu ngân sách và tiến độ thực hiện một số nguồn thu gắn với dự toán chi đầu tư phát triển. Thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao; rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định…

Cùng với đó, thành phố thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính — NSNN; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra của thanh tra các sở, ngành và của thành phố; rà soát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, các kết luận và kiến nghị giám sát của HĐND TP. Hà Nội. Cụ thể, tăng cường giám sát, kiểm tra hiệu quả sử dụng NSNN; thực hiện nghiêm cơ chế công khai minh bạch trong bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách, đất đai theo quy hoạch; công khai tài chính đối với các cấp NSNN, các đơn vị dự toán ngân sách, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn NSNN và các quỹ có nguồn gốc từ NSNN theo quy định...

Hà Nội di dời 9 cơ sở nhà, đất theo quy hoạch

Ngày 8/7, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố (đợt 1). Theo nghị quyết, danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP. Hà Nội (đợt 1) gồm 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) hiện đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.

Cụ thể, 9 danh mục cơ sở nhà, đất tại 12 quận đề xuất di dời gồm: Công ty In Báo Nhân dân Hà Nội; Công ty TNHH MTV In Báo Hà Nội Mới; Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long; Công ty TNHH MTV In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng Kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thanh-pho-ha-noi-can-doi-thu-chi-ngan-sach-dam-bao-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-108640.html