Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động phòng, chống sạt lở mùa mưa bão

Sạt lở trên quốc lộ 91: Tỉnh An Giang đã di dời 13 hộ dân

(HNM) - Với đặc thù sông, kênh, rạch chằng chịt và triều cường xảy ra thường xuyên, nên vào cao điểm mùa mưa, thành phố Hồ Chí Minh lại xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch, đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Để chủ động trong công tác phòng, chống sạt lở mùa mưa bão, thành phố đã và đang khẩn trương thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài.

Một vụ sạt lở nghiêm trọng cuốn trôi nhà của người dân tại huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh).

Nơm nớp lo lắng

Từng chứng kiến “hà bá” cuốn trôi 5 căn nhà tại rạch Giồng - sông Kinh Lộ (đoạn qua ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), ông Lê Tấn Nè (ở xã Hiệp Phước) cho hay, dù chính quyền địa phương đã cho xây kè nhưng đến cuối năm 2018, hơn 100m kè thuộc dự án đầu tư kè chống sạt lở rạch Giồng - sông Kinh Lộ bất ngờ bị sạt lở trôi tuột xuống sông.

“Đến nay, dù các đơn vị thi công và chính quyền địa phương đang tiến hành xây dựng lại đoạn kè vốn được cảnh báo đặc biệt nguy hiểm này, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy bất an”, ông Nè lo lắng nói.

Tương tự, ông Lê Sỹ Quốc (ở phường 28, quận Bình Thạnh) cho biết, người dân sống tại đây đang mong ngóng dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - Đoạn 2 (sông Sài Gòn - khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) hoàn thành. Thế nhưng, dù trễ hẹn đã hơn 2 năm nay, dự án vẫn dang dở. Mỗi khi mùa mưa đến, hàng trăm hộ dân sống dọc tuyến sông này lại nơm nớp lo sợ vì triều cường dâng cao gây ngập, nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào.

"Chính quyền thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho người dân”, ông Quốc mong muốn.

Theo thống kê của Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 48 vị trí sạt lở, tăng 11 vị trí so với cuối năm 2018; trong đó có 20 vị trí có mức độ nguy hiểm và 22 vị trí đặc biệt nguy hiểm... Huyện Nhà Bè hiện dẫn đầu với 13 vị trí sạt lở, tiếp đó là huyện Cần Giờ với 10 vị trí, quận 2 có 6 vị trí, huyện Bình Chánh và quận Thủ Đức mỗi địa phương có 5 vị trí..., ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của hàng nghìn hộ dân.

Đặc biệt phải kể đến 12 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại quận 8, quận 12, quận Bình Thạnh; huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh… hiện chưa có phương án khắc phục. Điều đáng nói là ngay cả những dự án chống sạt lở đang được thi công, tiến độ cũng rất chậm. Lý do chung là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại

Chưa thể triển khai trên tổng thể, nhưng tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm sớm khắc phục cơ bản các sự cố. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện, đơn vị chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai trong thời gian ngắn nhất để sớm có mặt bằng phục vụ thi công. Đồng thời, hoàn thành dứt điểm các dự án đê, kè, thủy lợi, phòng chống thiên tai nhằm phát huy hiệu quả ngăn triều, phòng chống ngập úng, sạt lở, bảo vệ an toàn khu dân cư trong mùa mưa lũ.

Về dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, ông Phan Công Bằng, Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, UBND quận Bình Thạnh được thành phố giao làm chủ đầu tư việc giải phóng mặt bằng dự án. Hiện quận Bình Thạnh đã phê duyệt các quyết định chính sách bồi thường, thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ người dân và đang lập thủ tục chi trả tiền bồi thường. Dự kiến chậm nhất quý IV-2019 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng, còn các hạng mục quan trọng phấn đấu hoàn thành trong 8 tháng rồi bàn giao cho các nhà thầu thi công.

Ông Bằng cho biết thêm, quá trình triển khai dự án, địa phương đã rất có trách nhiệm trong việc phối hợp và hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, nhưng hiện gặp nhiều khó khăn vì giá đền bù chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân.

Mới đây nhất, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định 16/2019/QĐ-UBND về quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố. Theo đó, khi phát hiện vị trí có nguy cơ sạt lở, cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiến hành ngay việc cắm biển cảnh báo vị trí có nguy cơ sạt lở.

Các địa phương cũng cần triển khai xây dựng rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại trong khu vực có nguy cơ sạt lở; khuyến cáo người dân sơ tán và tháo gỡ, di dời tài sản đến nơi an toàn.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm yêu cầu người đứng đầu UBND các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó. Thành phố và các ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kè kiên cố chống sạt lở, ưu tiên bố trí vốn thực hiện tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao; chính quyền các địa phương sớm bàn giao mặt bằng để thi công công trình chống sạt lở, không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/942279/thanh-pho-ho-chi-minh-chu-dong-phong-chong-sat-lo-mua-mua-bao