Thành phố Hồ Chí Minh có 2.136 cơ sở giáo dục ngoài công lập
Ngày 10-9, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Theo báo cáo, toàn thành phố có 2.136 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong đó, 94 trường tư thục có vốn đầu tư trong nước, 21 trường có vốn đầu tư nước ngoài, 17 trường mầm non vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, có 968 trung tâm ngoại ngữ tin học, 144 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài, 180 đơn vị tổ chức kỹ năng sống, 674 trung tâm tư vấn du học...
Theo Phòng Quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố), một số trường ngoài công lập chưa tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học như thực hiện các hợp đồng góp vốn đầu tư; hoạt động công đoàn cơ sở, chưa thực hiện hồ sơ công nhận hội đồng trường theo quy định.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng giáo viên nước ngoài chưa đúng quy định. Các cơ sở giáo dục công khai thông tin trên mạng xã hội đôi lúc chưa chính xác so với quyết định cho phép hoạt động giáo dục của Sở; một số trường ngoài công lập còn gặp vướng pháp lý về đất đai, thẩm định hồ sơ thiết kế phòng cháy, chữa cháy…
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành về Quy chế phối hợp giữa Sở và các sở, ngành, cơ quan chức năng thành phố và UBND các quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng, giúp các đơn vị nắm rõ và chủ động hơn trong việc thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình khi tổ chức hoạt động giáo dục trên địa bàn thành phố.
Đơn cử, vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học - THCS & THPT Quốc tế Mỹ bị đình chỉ hoạt động 12 tháng khiến các học sinh phải chuyển qua các trường khác để học tiếp. Đây là bài học kinh nghiệm cho cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các hội đồng trường và tập thể lãnh đạo của các nhà trường.
Do đó, bà Lê Thụy Mỵ Châu yêu cầu Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động tham mưu lãnh đạo sở phối hợp với các sở, ngành thành phố và đặc biệt ký kết quy chế phối hợp với các quận, huyện trong quản lý khối ngoài công lập.
“Chúng ta thường xuyên lắng nghe, trao đổi hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo đúng quy định pháp luật. Song song đó, tăng cường phối hợp để cùng thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập một cách kịp thời, hỗ trợ những cơ sở còn khó khăn. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm”, bà Lê Thụy Mỵ Châu chỉ đạo.
Tại hội nghị, 105 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ quản lý, điều hành các cơ sở giáo dục ngoài công lập được Sở khen thưởng.