Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài

Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Tọa đàm 'Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh'.

Tọa đàm “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Tọa đàm “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Tại buổi tọa đàm (ngày 9/10), ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập, trong thời gian qua đã tạo được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân và toàn xã hội, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập theo chủ trương, định hướng của các bộ, ngành Trung ương và định hướng phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Cận, để triển khai hiệu quả công tác này trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), cần tiếp tục đề ra các giải pháp đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dưới nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau, đưa ra các đánh giá, ý kiến nhận định và cùng trao đổi kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, phù hợp.

Các đại biểu đã chia sẻ về các nhóm vấn đề trọng tâm: vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo và chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài; việc phát triển và củng cố hệ thống hội khuyến học từ thành phố đến cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp; phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập , đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

Như: Hội Khuyến học quận 4 đã xây dựng một hệ thống hội khuyến học vững mạnh với 100% các phường và cơ sở có chi hội khuyến học; Các hoạt động khuyến học của quận 4 như đi bộ gây quỹ, ngày văn hóa đọc, ngày hội khui heo đất khuyến học đã được tổ chức thường xuyên, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân, giúp khuyến khích việc học tập và tạo ra sự gắn kết trong cộng đồng.

Hay Hội Khuyến học huyện Củ Chi chia sẻ, muốn có một xã hội học tập thì không thể coi nhẹ yếu tố gia đình học tập. Đến đầu năm 2024, toàn huyện có 71.462 gia đình được công nhận là gia đình học tập, chiếm 63,03% so tổng hộ dân trên địa bàn. Cùng với xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, các cấp khuyến học trong huyện còn đẩy mạnh phát triển cộng đồng học tập. Tất cả các xã, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức các lớp dạy nghề, sinh hoạt chuyên đề về kỹ năng sống, giúp nhau làm kinh tế gia đình, từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá tại địa phương.

Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số sẽ tạo dựng một phương thức hoạt động mới trong thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài. Cùng với đó, tăng cường kết nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài trường, cựu sinh viên trường nhằm kêu gọi các nguồn tài trợ về học bổng, dự án hỗ trợ cho viên chức, người lao động và sinh viên, chung tay tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, góp phần đắc lực vào mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác khuyến học, nhất là về việc đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến và triển khai các phong trào thi đua về khuyến học, kinh nghiệm xây dựng các mô hình học tập hiệu quả, từ gia đình, dòng họ đến cộng đồng.

Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác khuyến học, khuyến tài không chỉ là trách nhiệm của riêng hội khuyến học mà cần sự phối hợp của toàn hệ thống chính trị.

Ông Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh, để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, đồng chí Lê Hồng Sơn cho rằng, trong thời gian sắp tới, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong lãnh đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Thành ủy; quan tâm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Các cấp hội tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hội khuyến học cơ sở, đặc biệt sự phối kết hợp của hội khuyến học với ngành Giáo dục - đào tạo cần đồng bộ, chặt chẽ, cụ thể; đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng tạo nên sức mạnh tổng hợp là yếu tố cốt lõi cần được các đơn vị quan tâm; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mới với các mô hình đang thực hiện nhằm thu hút, đổi mới hơn; ngành Giáo dục - đào tạo thường xuyên rà soát, nắm chắc nhu cầu học và khả năng cung ứng của hệ thống trường lớp trên địa bàn TP, tránh tình trạng quá tải trường lớp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học.

Qua các bài tham luận và các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tập hợp đầy đủ các nội dung, báo cáo cho Thường trực Thành ủy, để có những chỉ đạo thực hiện tốt trong thời gian sắp tới.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-nang-cao-chat-luong-cong-tac-khuyen-hoc-khuyen-tai-179241010083042413.htm