Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng thành phố Thủ Đức thành đô thị thông minh

Chiều 27/3, kết luận tại Hội nghị duyệt nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 23/1/2021) bộ máy thành phố Thủ Đức đã xử lý khối lượng công việc vô cùng lớn, thể hiện nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị.

Trong quá trình đó, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy thành phố Thủ Đức không ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Để đẩy nhanh việc giải quyết các công việc cho thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Nội vụ hệ thống hóa các lĩnh vực mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có thể ủy quyền tối đa cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức để xử lý nhanh các vấn đề cho người dân.

Định hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Thủ Đức ban hành Nghị quyết định hướng phát triển kinh tế xã hội thành phố Thủ Đức đến năm 2025 để làm cơ sở lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Với điều kiện sẵn có, năm 2021 thành phố Thủ Đức cần phấn đấu thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.

“Đô thị thành phố Thủ Đức hết sức bộn bề nên công tác lập và quản lý quy hoạch phải hết sức khẩn trương. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức phải tổ chức họp giao ban hàng tháng về vấn đề này, nếu có vướng mắc, phát sinh phải kiến nghị gấp đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để có hướng giải quyết nhanh. Đến quý 3/2021 phải hoàn tất việc lập quy hoạch chung thành phố Thủ Đức. Trong quá trình đó, những khu vực ổn định sẽ tổ chức kêu gọi đầu tư để khai thác tối đa nguồn lực đất đai, tránh bỏ hoang, lãng phí”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong lưu ý.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cho biết, đến nay thành phố Thủ Đức đã đảm bảo các kế hoạch đề ra về tổ chức bộ máy, nhân sự, hậu cần đồng thời đảm bảo thường xuyên cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại hội nghị.

Năm 2021, thành phố Thủ Đức phấn đấu trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, phát triển nhanh, bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Thủ Đức đã đưa ra 26 chỉ tiêu. Đáng chú ý về chỉ tiêu về kinh tế, thành phố Thủ Đức phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu pháp lệnh với số tiền 8.327 tỷ đồng. Về đầu tư hạ tầng đô thị, năm 2021 sẽ có 15 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Thủ Đức hoàn thành trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Quận 2, xây dựng trục đường D1, D2 kết nối giao thông vào khu tái định cư 38,4ha tại phường An Khánh; bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng đường Lương Định Của và nút giao thông Trần Não – Lương Định Của.

Cùng với đó, thành phố Thủ Đức tập trung giải quyết các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại dự án trọng điểm gồm Khu Công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, dự án chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình.

Bên cạnh việc chủ động thực hiện các giải pháp trong nhiệm vụ, thẩm quyền, đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cũng đề xuất Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các sở ngành nhiều vấn đề liên quan đến phát triển đô thị như cho phép thành phố Thủ Đức thành lập 4 Trung tâm mới gồm Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm khoa học công nghệ, Trung tâm phát triển Quỹ đất và Trung tâm Công tác xã hội Thành phố Thủ Đức.

Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức kiến nghị tháo gỡ khó khăn để giải quyết các tồn tại tại 11 dự án trọng điểm gồm dự án Khu công nghệ cao, Chỉnh trang và phát triển đô thị phường Long Bình, mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, Công viên văn hóa lịch sử dân tộc, Khu tái định cư Long Bình – Long Thạnh Mỹ, dự án đường Xa lộ Vành đai vào Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án BT đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa – Quốc lộ 1, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc, dự án Khu công viên văn hóa thể thao, công viên xanh điều tiết trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Trong lĩnh vực giao thông, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức kiến nghị tháo gỡ khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, quy hoạch ranh mốc dự án… để đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Nam Lý (tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng), cầu Tăng Long (450 tỷ đồng), cầu Long Đại (353 tỷ đồng), mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp đoạn từ cầu Nam Lý đến đường Nguyễn Duy Trinh (360 tỷ đồng), mở rộng đường Lê Văn Việt (đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến Lã Xuân Oai, 1.500 tỷ đồng), dự án đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa – Quốc lộ 1 (2.700 tỷ đồng), khép kín Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng (11.000 tỷ đồng), mở rộng các tuyến đường xung quanh Khu dân cư Vinhome Grand Park (382 tỷ đồng), nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 2…

Nam Đàn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-xay-dung-thanh-pho-thu-duc-thanh-do-thi-thong-minh-120765.html