Thành phố Hòa Bình: Tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng xã hội học tập

Theo giới thiệu của các đồng chí Hội Khuyến học TP Hòa Bình, chúng tôi đến tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề 'Tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe' của câu lạc bộ (CLB) 20/10, phường Phương Lâm.

Hội viên Câu lạc bộ 20/10, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Hội viên Câu lạc bộ 20/10, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Bà Trần Thị Lan, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB được thành lập năm 2010, xuất phát từ nguyện vọng của chị em trên địa bàn phường. CLB thường xuyên tiến hành thăm dò ý kiến để tổ chức các hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế như: tư vấn chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi... Nhờ những hoạt động thiết thực, hiệu quả đó mà hội viên tích cực tham gia các hoạt động, tạo cho CLB phát triển trong nhiều năm qua.

Cùng với CLB 20/10, toàn thành phố hiện có 275 CLB phát triển cộng đồng, trong đó có một số CLB tiêu biểu, hoạt động sôi nổi, hiệu quả như: CLB văn nghệ giáo chức phường Hữu Nghị, CLB phát triển cộng đồng phường Tân Thịnh, CLB dưỡng sinh phường Thịnh Lang... Xây dựng và phát triển CLB phát triển cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thành phố Hòa Bình quan tâm triển khai nhằm hưởng ứng phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Các CLB hoạt động thường xuyên, hiệu quả thiết thực, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phong phú, đa dạng, thu hút nhiều đối tượng, lứa tuổi tham gia, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Trao đổi về việc triển khai thực hiện Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng” trên địa bàn TP Hòa Bình, đồng chí Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố cho biết: Nhờ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, việc thực hiện đề án đã có tác động tới đời sống người dân, từng gia đình cũng như cộng đồng dân cư trên địa bàn. Các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã quan tâm nhiều hơn đến điều kiện học tập của các thành viên trong gia đình, tạo điều kiện về tinh thần, vật chất để con em học tập tốt hơn; phong trào học tập của người lớn đã có tác dụng lớn đến đời sống người dân. Những kiến thức học và tự học được áp dụng vào cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Phong trào đã ảnh hưởng tích cực đối với việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Trong 3 năm triển khai đại trà các mô hình học tập, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học, các hộ gia đình trên địa bàn thành phố đã tích cực hưởng ứng phong trào. Các gia đình, dòng họ, cộng đồng tình nguyện đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu học tập. Ngay từ đầu năm nay, toàn thành phố có 23.848 đăng ký xây dựng gia đình học tập, 10 gia đình học tập tiêu biểu xuất sắc; 66 dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ học tập, 11 dòng họ học tập tiêu biểu xuất sắc; 153 cộng đồng đăng ký xây dựng cộng đồng học tập, 6 cộng đồng học tập tiêu biểu xuất sắc; 72 đơn vị đăng ký xây dựng đơn vị học tập, 7 đơn vị học tập tiêu biểu xuất sắc.

Hội Khuyến học 15 xã, phường trên địa bàn xây dựng phong trào gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trong 3 năm qua, số gia đình, dòng họ, cộng đồng được công nhận là gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tăng lên rõ rệt. Việc xây dựng các mô hình học tập đã có tác động tích cực đối với việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, nhất là đối với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/132221/thanh-pho-hoa-binh-tich-cuc-huong-ung-ph111ng-trao-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap.htm