Thành phố Móng Cái phát huy vị trí cửa ngõ kết nối ASEAN
Với lợi thế địa lý 'giáp biển, giáp biên giới đường bộ', thành phố (TP) Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế và địa chính trị chiến lược, là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á. Đặc biệt, TP Móng Cái có nhiều tiềm năng, thế mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển khi địa phương này nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, trên tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế gồm Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - cửa khẩu quốc tế Móng Cái - cửa khẩu Đông Hưng - TP Phòng Thành Cảng (Trung Quốc).
Mới đây, Đoàn đại biểu Khu thí điểm mở cửa khai phá trọng điểm quốc gia Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc do ông Trần Kiến Lâm, Ủy viên Ủy ban công tác, Phó Chủ nhiệm Ban quản lý Khu thí điểm mở cửa khai phá trọng điểm quốc gia Đông Hưng, Trung Quốc làm trưởng đoàn đã thăm quan, làm việc tại TP Móng Cái, Việt Nam. Tại cuộc làm việc, đoàn bày tỏ vui mừng trước sự đổi mới, phát triển của TP Móng Cái và thành quả hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai địa phương hai nước ngày càng được củng cố, mở rộng, nhất là sự khôi phục hiệu quả về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, du lịch, thông thương... sau tác động của đại dịch Covid-19.
Đây là một trong những minh chứng cho thấy, dù trong hoàn cảnh tác động nào, Móng Cái vẫn luôn có những giải pháp linh hoạt, linh động, sáng tạo để thích ứng và bứt phá, xứng đáng với vị trí cửa ngõ phía Bắc của đất nước kết nối phát triển kinh tế, thương mại, du lịch với ASEAN nói chung và Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới nói riêng. Hiện nay, cửa khẩu quốc tế Móng Cái đang trên đà hồi phục trở lại, lấy lại sự thịnh vượng như trước khi có dịch Covid-19.
Nhìn lại kết quả trong thời gian nửa đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, kinh tế của TP Móng Cái đang tiếp tục phát triển đúng hướng, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi thông, kết nối nguồn lực, không gian phát triển mới của TP. Trong đó, TP đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, đạt kết quả tích cực, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch; điển hình là hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu đạt kết quả tích cực trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, từ giá trị sáng tạo của “vùng xanh an toàn” đã tạo “niềm tin chiến lược” với phía bạn, khôi phục thông quan hàng hóa trở lại.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TP đã thu hút thêm 989 doanh nghiệp đưa hàng hóa về làm thủ tục Hải quan tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 8.081,6 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,6%/năm.
Cùng với đó, hoạt động thương mại, dịch vụ nội địa duy trì phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 23.989,8 tỷ đồng, tăng bình quân 37%/năm; khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 1,398 triệu tấn, tăng bình quân 7,3%/năm; doanh thu ngành vận tải, bốc xếp đạt 980,8 tỷ đồng, tăng bình quân 22%/năm; hoạt động ngân hàng phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, giá trị sản xuất ngành ngân hàng, bảo hiểm đạt 2.494,87 tỷ đồng, bình quân tăng 8,7%/năm.
Tổng lượng khách du lịch đạt 1.462 triệu người; quý I/2023, tổng khách du lịch đạt 199.914 lượt người, tăng 62% cùng kỳ, tổng nộp ngân sách Nhà nước về dịch vụ du lịch đạt 17,013 tỷ đồng, tăng 73% cùng kỳ. TP đã ban hành nhiều văn bản, trọng tâm là triển khai hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 28/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về phát triển Khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng duy trì, làm mới sản phẩm du lịch đã có, phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới phát huy giá trị thương hiệu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch... Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được quan tâm chỉ đạo theo hướng phát triển tập trung, công nghệ sạch, nâng cao giá trị và thân thiện môi trường với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30.056,894 tỷ đồng.
Cùng với đó, Móng Cái phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng giá trị, gia tăng sản phẩm gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực: thu nhập bình quân đầu người (9 xã nông thôn mới) đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,2 lần so với giai đoạn 2015-2020. TP có 7 tổ chức kinh tế tham gia với 42 sản phẩm OCOP, trong đó, có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, có 3 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: tôm thẻ chân trắng, ghẹ Trà Cổ, lợn Móng Cái. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 4.897 tỷ đồng, tăng bình quân 3,37%/năm.
Xác định phát triển doanh nghiệp - nhất là kinh tế tư nhân sẽ tạo động lực tăng trưởng, trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài, nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn TP đã có thêm 450 doanh nghiệp thành lập mới. TP cũng quyết liệt triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện gắn với triển khai Đề án 06 của Chính phủ bước đầu đạt kết quả tích cực, trong đó, triển khai nền tảng cửa khẩu số thông minh tại cửa khẩu Bắc Luân 2 (đưa toàn bộ quy trình, các bước lên môi trường số); lắp đặt, kết nối và vận hành trên 200 camera giám sát an ninh trật tự tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn; công tác đào tạo nhân lực chuyển đổi số được ưu tiên thực hiện, đến nay, có trên 1.000 người được đào tạo, hướng dẫn...
Móng Cái cũng đã và đang tập trung triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trọng tâm là thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, xây dựng Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 28/8/2020 để cụ thể hóa triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng khu vực cảng biển Móng Cái trở thành khu vực khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế; hình thành các trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao, đồng thời, khai thác tiềm năng, phát triển đa dạng các loại dịch vụ có lợi thế, nhất là vận tải biển; phát triển mạnh du lịch biển, trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển…, đồng thời, hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu (A4.1) gắn với thu hút đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Vạn Ninh và triển khai dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh (Vạn Gia).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Trong số đó, xác định Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là một cực tăng trưởng kinh tế năng động bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành đô thị hiện đại, trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, tài chính, thương mại dịch vụ biên giới, thể thao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động.
Với những lợi thế to lớn trên cùng với thành tựu vững chắc về kinh tế, sự nỗ lực bứt phá để vươn tầm, Móng Cái thực sự phát huy giá trị vị trí cửa ngõ kết nối ASEAN.