Thành quả lớn nhất là niềm tin của Nhân dân

Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV ngày 4.11 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Đất nước đứng trước không ít thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới, lại liên tiếp hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của thiên tai tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Chính vì vậy, sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri cũng trở thành mạch cảm xúc chung không chỉ trong ngày làm việc hôm qua mà còn xuyên suốt từ khi kỳ họp bước vào chương trình nghị sự.

Vững vàng "vượt sóng”

Theo dõi phiên thảo luận tại hội trường qua sóng truyền hình, phát thanh trực tiếp, cử tri nhiều địa phương đặc biệt đánh giá cao Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trình bày trước Quốc hội. Theo đánh giá của cử tri, trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, trong nước liên tiếp hứng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, bão lũ song những “con số” ghi nhận trong 9 tháng năm 2024 là minh chứng rõ nét, sinh động nhất cho sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng hướng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trên cơ sở đánh giá toàn diện, dự báo đúng tình hình, diễn biến để chủ động đề ra các giải pháp căn cơ đưa đất nước vững vàng “vượt sóng”.

Nhiều cử tri đánh giá cao các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ đề ra trong năm 2025 như: ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt là đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới"; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân...

 Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, giữa bức tranh phát triển kinh tế - xã hội với rất nhiều thành quả đáng ghi nhận, cử tri cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng bởi một số yếu tố tạo nên thành tích vẫn chưa bền vững, thậm chí còn tiềm ẩn không ít rủi ro. Dẫn nội dung lớn trong thông điệp gửi gắm đến cử tri trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: “Kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, bảo đảm khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất”, cử tri kỳ vọng các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục có giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, kiểm soát chặt, triệt để ngăn ngừa “tham nhũng chính sách”. Trong đó, yếu tố đầu tiên là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, vượt qua lợi ích bộ, ngành trong quá trình xây dựng các chính sách; mặt khác, nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan thẩm định và thẩm tra.

Tạo đột phá phát triển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu

Phiên thảo luận tại kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh đất nước đứng trước không ít thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới, lại liên tiếp hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của thiên tai tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Chính vì vậy, sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri cũng trở thành mạch cảm xúc chung không chỉ trong ngày làm việc hôm qua, mà còn xuyên suốt từ khi Kỳ họp thứ Tám bước vào chương trình nghị sự.

Vừa trải qua những thiệt hại nặng nề trong cơn bão Yagi, cử tri Đinh Công Trang (phường Cao Thắng, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) bày tỏ xúc động trước việc Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm dành nguồn lực lớn hỗ trợ tái thiết và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau mưa bão. Trong khó khăn, nhiều cách làm sáng tạo, những nghĩa cử cao đẹp đã làm tô đẹp thêm tinh thần tương thân tương ái vốn đã trở thành truyền thống, hồn cốt của dân tộc.

Tuy nhiên, cử tri cũng nhắc đến những kiến nghị được các ĐBQH đề cập tại phiên thảo luận; trong đó, có thực tế, nhiều quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai được ban hành từ giai đoạn trước, chưa cập nhật đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng cần hỗ trợ, nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ còn thấp so với thiệt hại thực tế. Qua đó, mong muốn Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề; xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước...; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi…

Nội dung này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri đồng bằng sông Cửu Long; từ huyện Long Hồ (Vĩnh Long) cử tri phản ánh, mấy năm gần đây, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã ảnh hưởng hết sức nặng nề đến đời sống người dân trên địa bàn. Mặc dù, chính quyền các cấp đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhưng thực tế công tác dự báo, ứng phó vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo cử tri, phát triển bền vững được xem là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, cử tri mong muốn, Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết đặc thù về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu để tạo đột phá phát triển vùng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn, thịnh vượng.

Kỳ vọng những quyết sách xuất phát từ thực tiễn

Theo dõi những diễn biến từ hội trường Diên Hồng trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm qua, cử tri nhiều địa phương trong cả nước đánh giá cao phần thảo luận trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu khi bám sát vào những vấn đề dư luận, cử tri hết sức quan tâm hiện nay. “Gần đây, nổi lên thực tế còn không ít khó khăn, bất cập trong công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp không đạt được mục tiêu”, cử tri Nguyễn Trường An (TP. Lào Cai, Lào Cai) cho biết; đồng thời, kiến nghị cần đánh giá, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm từ các bộ, ngành, gia đình, xã hội đến các cơ sở giáo dục… để làm cơ sở xây dựng lộ trình và giao trách nhiệm khi triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài giáo dục, hướng nghiệp, cử tri cũng phản ánh mối quan tâm đến vấn đề bảo hiểm y tế; hoạt động của tổ chức công đoàn; giải pháp giải quyết tình trạng quảng cáo sai sự thật, lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng; về cơ chế, chính sách “giữ chân” đội ngũ giáo viên; bảo đảm quyền lợi của người dân phải di dời, giải phóng mặt bằng khi triển khai các công trình, dự án... Việc được đặt lên bàn nghị sự kỳ họp này, các ĐBQH sẽ phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, đi đến thống nhất các giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Cử tri và nhân dân cảm nhận sâu sắc, rất rõ quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nỗ lực tìm tòi các biện pháp tháo gỡ ách tắc, điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, chăm lo cho đời sống nhân dân. Nỗ lực ấy là nền tảng quan trọng để cử tri cả nước tin tưởng, các quyết nghị từ Hội trường Diên Hồng thực sự xuất phát từ thực tiễn, được hoạch định trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và sẽ trở thành động lực để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mạnh Tuân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thanh-qua-lon-nhat-la-niem-tin-cua-nhan-dan-post395373.html