Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển chủ đạo

Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số.

Vài năm gần đây, hệ thống ngân hàng đã đầu tư rất mạnh vào “cuộc đua số”, để đẩy mạnh xu hướng không sử dụng tiền mặt.

Tăng trưởng thần tốc, rủi ro tiềm ẩn

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt” diễn ra vào chiều 17/6, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để đón đầu xu hướng “không dùng tiền mặt”, hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực thanh toán liên quan mật thiết với cuộc sống thường nhật của người dân.

Ví dụ, hiện nay, người dân có thể không cần dùng tiền mặt, nhưng vẫn thanh toán được vé xem phim, thanh toán chi phí giáo dục, y tế, gọi xe hay đặt nhà hàng, tour du lịch,... Thậm chí, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể mua trả góp, mua trước - tra sau.

Bản thân các doanh nghiệp cũng có thể thanh toán thuế, phí thông qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động.

Nhờ các tiện ích như trên, đến nay, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm…

“Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, bà Hồng nói.

Trong khi đó, ông Lê Thế Vinh, lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết: Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống thanh toán điện tử “không dùng tiền mặt” cũng đang đem lại một số rủi ro, trong đó, số lượng phạm tội công nghệ cao ngày càng tăng, phương thức phạm tội ngày càng đổi mới, tinh vi hơn, mang tính có tổ chức hơn và gây ra thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn.

Những vấn đề đó trở thành nguy cơ đe dọa sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường thanh toán số của Việt Nam nói riêng.

Theo ông Vinh, mặc dù các tổ chức tài chính, ngân hàng luôn là đơn vị đi đầu bảo vệ an toàn thông tin cho hệ thống cũng như đầu tư các giải pháp, công cụ ngăn chặn rủi ro, mất mát tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều ngân hàng lại đang bị khách hàng khiếu nại liên quan đến giao dịch bất thường mà khách hàng không thực hiện dẫn đến mất tiền trong tài khoản.

Các sự vụ này có thể làm giảm niềm tin của khách hàng với hệ thống ngân hàng, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Các sự cố chủ yếu đến từ nhận thức an toàn thông tin của người dân chưa cao ví dụ hay click vào đường link lạ, không phân biệt được web sử dụng…

Từ đó, ông Vinh đề nghị các Ngân hàng cần khuyến nghị cho khách hàng và bổ sung các công nghệ mới để phát hiện các gian lận. Bộ Thông tin truyền thông cũng đã liên tục phát hiện, đưa ra các khuyến cáo. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp không thể thành công nếu khách hàng không nâng cao nhận thức, vì thế, các ngân hàng cần giáo dục, nâng cao nhận thức đẩy đủ về an toàn thông tin….

Bốn thách thức lớn trong chuyển đổi số

Cũng trong hội thảo này, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MBBank) cho rằng xã hội không tiền mặt mang lại nhiều giá trị thiết thực. Với cá nhân, các giao dịch sẽ được an toàn, dù bảo mật là thách thức lớn nhưng sẽ được phát triển và được quan tâm trong khi việc trải nghiệm mang lại sự lý thú, không bị gián đoán, liên kết với hàng nghìn nhà cung cấp, như với MB đang bán 30.000 sản phẩm trên nền tảng.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MBBank).

Với doanh nghiệp sẽ giảm chi phí, tăng thêm khách hàng. Với nhà nước sẽ giúp minh bạch trong thu thuế, thu nhập.

Trong bối cảnh “không bình thường” khi COVID-19 diễn ra, ông Thái cho hay MB nhìn thấy yêu cầu tăng trải nghiệm online rất nhanh, khách hàng không muốn đến ngân hàng mà muốn có thêm các trải nghiệm. Môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành ngân hàng, đặt ra yêu cầu MB phải chuyển đối số và tăng tốc mạnh mẽ.

Tuy vậy, thách thức đặt ra trong chuyển đối số theo ông Thái là các vấn đề liên quan đến lãnh đạo, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh.

“Việc chuyển đổi số là đầu tư với quy mô lớn, nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi rất lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí, nên bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự là rất khó”, ông Thái cho biết MB liên tục triển khai dự án nhưng quan niệm coi chuyển đổi số là quá trình chứ không phải là dự án.

Về nhân sự đặt ra yêu cầu tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh. Thách thức về cạnh tranh đặt ra, nên MB sẽ đặt vấn đề vừa cạnh tranh và hợp tác để các kết nối tăng lên nhanh.

Đề xuất giải pháp, ông Thái đề xuất cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng. Có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-la-xu-huong-phat-trien-chu-dao-post199655.html