Thanh toán không tiền mặt góp phần phòng chống tội phạm kinh tế

Giao dịch không tiền mặt góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy minh bạch và phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế...

 Phó Thủ tướng đang nghe giới thiệu về các dịch vụ của Vietcombank

Phó Thủ tướng đang nghe giới thiệu về các dịch vụ của Vietcombank

Đó là nhận định của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" do Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin - Truyền thông và Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 11/6 tại Tp.HCM.

Góp phần phòng chống tham nhũng

Nhấn mạnh lợi ích của giao dịch không tiền mặt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: "Lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Giờ mà người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con thì quả là bất tiện, lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc".

"Thanh toán không tiền mặt được lợi nhiều thứ, chỉ có một cái "không" là không tiền mặt nhưng được nhiều cái "có". Ngoài ra, thanh toán không tiền mặt còn có ưu điểm là nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; thúc sự đẩy minh bạch và phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế…", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thanh toán qua đi động tăng 162,7%

Thực tế đã chứng minh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, thanh toán di động của Việt Nam năm 2018 đã tăng trưởng 162,7% về giá trị so với năm 2017 và là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước trong 5 tháng đầu năm cho thấy, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).

Đến cuối tháng 4/2019, trên toàn quốc có hơn 18.700 ATM, hơn (tăng tương ứng 4,25% so với cùng kỳ năm ngoái), số POS đạt được 266.700 POS và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học,...).

Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... cũng đang được phát triển để phù hợp với xu thế của thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen, tương tác chủ yếu qua các kênh số trên thiết bị di động với tất cả các dịch vụ trong xã hội, từ tin tức, âm nhạc, phim ảnh cho đến giao hàng, gọi xe, lưu trú và cả trong dịch vụ ngân hàng - tài chính và thanh toán...

Đặc biệt, thanh toán dịch vụ công đã đạt được những kết quả khả quan với 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của ngành điện thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai đề án phối hợp với các ngân hàng để thu hộ tiền khám chữa bệnh...

Đẩy mạnh phổ cập cho người dân

Theo Phó thủ tướng, dù đã làm được nhiều việc nhưng lộ trình thanh toán không tiền mặt mới là bước đầu, cần phải làm nhiều việc, phải phổ cập, chỉ đạo phát triển tài chính toàn diện. Thu thuế qua mạng rất tốt nhưng hàng triệu người ở nông thôn không được phục vụ thì cũng không đạt yêu cầu.

Hiện tỉ lệ thanh toán không tiền mặt mới chiếm khoảng 14% trên tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam, trong khi tại Hàn Quốc tỉ lệ này đạt trên 80% với hơn 3,5 triệu điểm thanh toán POS, 64,5 triệu giao dịch/52 triệu dân/ngày. Mỗi ngày hơn 1 người dân Hàn Quốc thanh toán qua các kênh điện tử...

Ngành ngân hàng, theo Phó thủ tướng, cũng phải đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế.

Theo đó, ngân hàng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để báo cáo Chính phủ về phương án sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile - Money). Các Bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ cũng phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép quản lý theo hướng tập trung và có khả năng kết nối, tích hợp với hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng.

TÚ UYÊN

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thanh-toan-khong-tien-mat-gop-phan-phong-chong-toi-pham-kinh-te-20190611151120881.htm