Thanh Trì: Chặng đường 70 năm giải phóng

Cách ngày này đúng 70 năm (6/10/1954), huyện Thanh Trì hoàn toàn giải phóng. Đây là sự kiện, dấu mốc quan trọng khẳng định bề dày lịch sử; niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân về vùng đất giàu truyền thống anh hùng, địa linh nhân kiệt.

Tự hào truyền thống quê hương

Thanh Trì là huyện phía Nam Thủ đô Hà Nội, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, quê hương của các danh nhân: Đô hồ Đại vương Phạm Tu, Tiên triết Chu Văn An - Người thầy của muôn đời, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Danh nhân Ngô Thì Nhậm,…

Đặc biệt, Thanh Trì là một trong số ít địa phương có hai Làng khoa bảng tiêu biểu đó là: Làng Nguyệt Áng (xã Đại Áng), Làng Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai).

Thanh Trì hôm nay bừng sáng và ngập tràn sắc hoa

Thanh Trì hôm nay bừng sáng và ngập tràn sắc hoa

Trong những năm đầu thế kỷ XX, huyện Thanh Trì là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng vùng ngoại thành Hà Nội. Nhiều thanh niên của địa phương đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Tháng 5/1930, Chi bộ Đông Phù - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của vùng ngoại thành Hà Nội được thành lập tại thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ.

Thanh Trì là quê hương của đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Đỗ Ngọc Du - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên, đồng chí Vương Thừa Vũ - nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội… và nhiều chiến sĩ cộng sản tiêu biểu mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Thanh Trì.

Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Nhân dân huyện Thanh Trì hân hoan đón niềm vui trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thành phố Hà Nội.

Nhân dân huyện Thanh Trì hân hoan đón niềm vui trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thành phố Hà Nội.

Ngày 6/10/1954, huyện Thanh Trì hoàn toàn giải phóng, ngày này đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân huyện Thanh Trì, đánh dấu một giai đoạn đấu tranh anh dũng, quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết keo sơn, tất cả vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngày 31/5/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/CP lập huyện Thanh Trì mới. Theo đó, 10 xã của quận VII Hà Nội hợp nhất với 11 xã và 1 thị trấn của huyện Thanh Trì (tỉnh Hà Đông cũ) để thành lập huyện Thanh Trì, một trong 4 huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội.

Khắp nơi lễ hội tưng bừng.

Khắp nơi lễ hội tưng bừng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Thanh Trì vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương để luôn làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng vì miền Nam ruột thịt, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Huyện Thanh Trì năm nào cũng đảm bảo giao đủ và đúng hạn lương thực và quân số huy động cho miền Nam. Chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và gian khổ, cả nước bước vào kỷ nguyên mới, độc lập, tự do cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người con ưu tú của Thanh Trì đã xung phong lên đường nhập ngũ, có nhiều đóng góp vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Qua các cuộc kháng chiến, toàn huyện có 1.651 liệt sĩ, 1.229 thương binh, bệnh binh, 119 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong những năm tháng xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân Thanh Trì vinh dự được đón Bác Hồ nhiều lần về thăm, chúc Tết và tặng quà. Những lời động viên, thăm hỏi của Người là nguồn sức mạnh to lớn giúp cho Đảng bộ và Nhân dân Thanh Trì luôn vững vàng tin tưởng, hăng say lao động sản xuất và chiến đấu, đạt được những thành tựu quan trọng.

Vững vàng trên chặng đường mới

Từ một huyện ngoại thành giai đoạn khó khăn, 70 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành phố, định hướng tầm nhìn, cơ chế chính sách giúp Thanh Trì thay đổi với tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, đáp ứng được yêu cầu xây dựng đô thị phía Nam của Thành phố, từ tháng 1/2004, thực hiện Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 6/11/2003 của Chính phủ, huyện Thanh Trì chuyển giao 9 xã, cùng 5 phường của quận Hai Bà Trưng để thành lập quận mới Hoàng Mai. Huyện Thanh Trì còn 15 xã và 1 thị trấn.

Sau 70 năm, Thanh Trì vững vàng trên chặng đường phát triển với mục tiêu trở thành quận.

Sau 70 năm, Thanh Trì vững vàng trên chặng đường phát triển với mục tiêu trở thành quận.

Kế thừa và phát huy những thành tựu của quá trình xây dựng, đổi mới, huyện đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ xây dựng Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh và ngày càng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của Thủ đô và đất nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết toàn diện trên các lĩnh vực... Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 13.347 tỷ đồng, tăng 14,6%. Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực theo đúng định hướng: Thương mại, dịch vụ - công nghiệp xây dựng - nông nghiệp.

Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì và đạt thành tích vượt trội trong khối huyện của Thành phố, có 68/73 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 93,2%, trong đó có 34 trường đạt chuẩn mức độ 2. Chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; Công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Huyện không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 0,19%.

Thanh Trì thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm góp phần tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thanh Trì thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm góp phần tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Huyện có 15/15 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 100% số xã), vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao giai đoạn 2021 - 2025 (5 xã), trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực (xã Yên Mỹ và Đại Áng), thị trấn Văn Điển được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; 8 xã được Thành phố công nhận điểm đến du lịch.

Đề án thành lập quận, đạt 33/34 tiêu chuẩn, còn 1/34 tiêu chuẩn chưa đạt (cân đối thu chi ngân sách); các xã đạt từ 14-17/18 tiêu chuẩn thành lập phường. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định.

Công tác xây dựng Đảng được cấp ủy các cấp huyện Thanh Trì đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Trải qua 24 kỳ Đại hội, đến nay Đảng bộ huyện có 68 chi, đảng bộ trực thuộc, 346 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với trên 12.742 đảng viên. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên, số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh tăng dần hằng năm. Đảng bộ huyện Thanh Trì nhiều năm liền được Thành ủy Hà Nội công nhận danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, là lá cờ đầu trong các đơn vị và trong các phong trào.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong: Với những thành tựu quan trọng đã đạt được trong 70 năm xây dựng và phát triển, nhất là thành tích nổi bật trong thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì phát huy truyền thống, giữ vững niềm tin, kiên định mục tiêu, chung sức, đồng lòng vững bước tiến lên trên chặng đường mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, tập trung xây dựng phát triển huyện thành quận ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng với danh hiệu huyện Anh hùng của Thủ đô Anh hùng.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc và sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân và huyện Thanh Trì, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý cho huyện như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2000); Huân chương Lao động hạng Nhất (2003); Huân chương Độc lập hạng Ba (2010); các năm 2015, 2016 huyện liên tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu; năm 2017, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch), được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2021, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì...

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Công an huyện vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kỳ đổi mới; xã Đông Mỹ được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ thay đổi mới. 16/16 xã, thị trấn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…

Ngày 5/10/2024 huyện Thanh Trì vinh dự đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao của Thủ tướng Chính phủ - ghi dấu ấn là huyện đầu tiên của Hà Nội được vinh dự đón nhận danh hiệu này.

Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, quá khứ vinh quang luôn là ngọn nguồn sức mạnh mãnh liệt để hướng đến tương lai rộng mở, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Trì nguyện tiếp bước cha anh, giữ vững niềm tin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chung sức, đồng lòng vững bước tiến lên trên chặng đường mới, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển huyện thành quận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; xứng đáng với danh hiệu huyện Anh hùng của Thủ đô Anh hùng nghìn năm văn hiến.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thanh-tri-chang-duong-70-nam-giai-phong-178655.html