THẢO LUẬN TẠI TỔ 07: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ, AN TOÀN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tổ số 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (năm 2000) bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Các đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Bố cục của dự thảo Luật gồm 08 chương, 156 điều (sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành).

Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thẩm quyền phê duyệt các chức danh lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát... Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang sử dụng khá nhiều từ mượn, từ Hán-Việt gây khó hiểu, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi sao cho các nội dung thể hiện rõ ràng, dễ hiểu.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, dự thảo Luật cần làm rõ hơn về các khái niệm: ”bảo hiểm sinh kỳ”, ”bảo hiểm tử kỳ”, ” bảo hiểm vi mô”... để người đọc dễ hiểu và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân loại, phân nhóm bảo hiểm rõ ràng hơn thay vì quy định quá chi tiết vì sẽ liệt kê không hết được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, từ góc độ nhà nước, lĩnh vực bảo hiểm là nguồn lực rất tốt cho việc tái đầu tư. Do vậy, chúng ta cần có những quy định làm sao thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm.

Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho rằng việc sự dụng từ ngữ và giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật cần phải rà soát lại. Số lượng từ phải giải thích quá nhiều. Đại biểu nêu rõ, đặt địa vị là một người dân bình thường khi đọc dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) rất khó hiểu, thậm chí không thể hiểu được. Đại biểu nhấn mạnh, khi họ không hiểu hoặc hiểu không rõ thì họ chắc chắn họ sẽ không tham gia. Như vậy việc thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm sẽ là khó khả thi.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung- Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, cho biết, hiện nay tổng doanh thu từ thị trường bảo hiểm nước ta đang thấp, đóng góp cho nền kinh tế trong nước từ lĩnh vực này cũng còn rất hạn chế, mặc dù đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những quy định thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, an toàn, minh bạch và công bằng, tạo ra nguồn thu lớn đóng góp cho nền kinh tế. Đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện sớm các quy định về kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm những quy định can thiệp để can thiệp sớm đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia.

Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về khả năng thanh toán và các biện pháp can thiệp so với Luật hiện hành thể hiện sự tăng cường về tính an toàn đối với các doanh nghiệp, cũng như chủ động trong xử lý các tình huống phát sinh có ảnh hưởng đến an toàn của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nói riêng cũng như hệ thống tài chính nói chung. Tuy nhiên, đối với các biện pháp can thiệp (biện pháp cải thiện, biện pháp can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát), việc chỉ căn cứ vào tỷ lệ an toàn vốn của doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp là chưa tương xứng với quy định tại Khoản 2 Điều 96 của dự thảo Luật. Do vậy, đề nghị cân nhắc quy định tại dự thảo Luật về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu để minh bạch hóa và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xác định tình huống và các biện pháp can thiệp phù hợp với quy định tại dự thảo Luật.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường, phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và khách hàng./.

Thu Phương – Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59920