Thảo luận Tổ 12: Xây dựng cơ sở pháp lý đồng bộ về mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước
Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Đề án việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tổ 12, gồm các Đoàn ĐBQH: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn. Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên thảo luận.
Tán thành tăng cường số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách
Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức, mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn; hồ sơ dự thảo Nghị quyết cũng đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.
Một số đại biểu đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hải Phòng đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền đô thị hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý đô thị lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Điều này, đòi hỏi tổ chức một bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các nội dung của dự thảo nghị quyết phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về mô hình chính quyền đô thị của quận tại thành phố Hải Phòng, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, dự thảo nghị quyết không quy định Hội đồng nhân dân quận, phường, nhưng tại Điều 3 của dự thảo luật vẫn quy định nhiệm vụ theo quy định của pháp luật là trình HĐND quận thông qua rằng. Quy định này không phù hợp với Điều 1 về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này.
Một số đại biểu tán thành với việc tăng cường bộ máy, tăng cường số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (dự thảo đề xuất tăng thêm 9 đại biểu HĐND thành phố). Bởi khi không tổ chức HĐND quận, HĐND phường, cần tăng cường công tác giám sát của HĐND thành phố đối với hoạt động của chính quyền cấp quận, cấp phường. Bên cạnh tăng số lượng, cũng cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, đặc biệt là cơ quan Thường trực HĐND thành phố, nhất là các Ban của HĐND thành phố.
Một số ý kiến tán thành với việc điều chuyển, bổ sung thêm một số thẩm quyền cho HĐND thành phố để tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các năng lực, quyền hạn của địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường. Song song với đó, có chính sách thu hút cán bộ có năng lực chuyên môn tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND thành phố.
Đại biểu cũng cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương đang theo các mô hình khác nhau, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có mô hình tổ chức chính quyền đô thị thống nhất tại các thành phố trực thuộc Trung ương; sớm đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoặc trình ban hành luật riêng về tổ chức chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ về mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.
Cân đối nguồn lực tài chính để đầu tư xứng tầm với đô thị trực thuộc Trung ương
Cho ý kiến vào Đề án về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng thành lập thành phố Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tán thành với việc đề xuất thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế, với các lí do về cơ sở chính trị, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn đã nêu trong Tờ trình và đề án của Chính phủ. Qua nghiên cứu Đề án và báo cáo đánh giá tác động và đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy, tại thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện và đạt các tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Nghị quyết 1211 của Quốc hội.
Đề án cũng đã đánh giá toàn diện lịch sử hình thành, hiện trạng phát triển và cũng xác định cụ thể các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp khi Thừa Thiên Huế được quyết định thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội rất quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm của khu vực miền Trung và cũng là động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, cùng với thành phố Đà Nẵng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung và cả nước.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng sẽ phát sinh một số khó khăn, thách thức mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm và có phương hướng, kế hoạch để giải quyết.
Đó là việc thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và các quận trực thuộc cũng sẽ thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển toàn diện, chính quyền thành phố cũng sẽ phải thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để tương xứng với vị thế và tầm vóc của một đô thị lớn. Do đó, địa phương cũng sẽ phải cân đối nguồn lực về tài chính tương đối lớn, cần cân nhắc và có lộ trình bố trí, sắp xếp, huy động hợp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành trong việc thu, chi ngân sách và đầu tư công, cơ cấu lại chi đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo đầu tư tương xứng, xứng tầm với đô thị trực thuộc Trung ương.
Đại biểu cũng cho rằng, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ mang lại cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng sẽ kéo theo việc chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác. Điều này cũng khiến một bộ phận nông dân mất việc làm khi đất bị thu hồi. Vì vậy, đại biểu đề nghị có phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Ngoài ra, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng sẽ kéo theo áp lực về quy mô dân số, các dự án đầu tư vào địa bàn tăng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông. Các dịch vụ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng phát triển, tiềm ẩn vấn đề phức tạp, nhạy cảm dẫn đến nguy cơ về trật tự an toàn xã hội. Do đó, đại phương đề nghị địa phương có các giải pháp tối ưu, có phương án hợp lý, tránh tình trạng sau khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương lại phải phát sinh các cơ chế đặc thù khác.
Thành phố Huế được đánh giá là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa, là địa chỉ du lịch của cả nước và trên thế giới, do đó có ý kiến đề nghị quan tâm chú trọng về chất lượng dịch vụ sản phẩm du lịch; đồng thời có biện pháp và giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Chính phủ, Quốc hội phải tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để thành phố Huế đạt được các mục tiêu đề ra.
Đồng tình với chủ trương nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên khẳng định, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương nhằm xác định vị trí của Thừa Thiên Huế là “vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống vẻ vang”, “có thành phố Huế - Cố đô của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước”; “là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, là trọng điểm về quốc phòng, an ninh của quốc gia”.
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trug ương cũng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu: đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cản quan, thân thiện môi trường và thông minh; đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Một số hình ảnh thảo luận Tổ 12:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90560