Thấy con đứng ngây người bên cửa sổ, bố lại xem thì đỏ hoe mắt trước thứ con đang nhìn
Anh Lưu nhận ra mình đã quá nghiêm khắc với con.
Một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc đang nhận được sự quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Anh Lưu là một ông bố trẻ, có con trai 7 tuổi hiện đang học lớp 1. Cả anh và vợ đều rất nghiêm khắc với con và cảm thấy tiểu học là giai đoạn quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho con đường học tập sau này. Chính vì vậy, anh thường yêu cầu con học tập chăm chỉ vào buổi tối.
Có một hôm, anh Lưu có việc phải ra ngoài và để con ở nhà một mình. Đến khi về nhà anh bất ngờ thấy con đang đứng ngây người ở cửa sổ, không nhúc nhích. Thấy con không làm bài mà xao nhãng như vậy, anh Lưu hơi bực mình và định ra dạy bảo con. Nhưng lúc đến gần cửa sổ, ông bố này ngỡ ngàng vì thứ con đang chăm chú nhìn.
Hóa ra, đứa trẻ đang cố gắng nhìn qua cửa sổ để xem TV nhà bên cạnh. Lúc này, TV đang chiếu bộ phim hoạt hình mà con anh Lưu yêu thích. Trông thấy cảnh đó, anh Lưu lặng đi, muốn nói nhưng lại thôi. Mắt anh bỗng thấy cay xè. Cuối cùng, anh lặng lẽ rời đi.
Ông bố này chợt nhận ra, bao lâu nay mình đã yêu cầu quá cao với con, đến mức con bị hạn chế cả những thú vui rất nhỏ của mọi đứa trẻ như xem phim hoạt hình. Mỗi ngày, trẻ nhỏ đã có vô số bài tập cần phải làm. Ngoài ra cuối tuần còn phải đi học phụ đạo, tham gia các lớp luyện thi vào trường cấp 2 trọng điểm. Con trai của anh Lưu cũng đang rơi vào tình cảnh như này. Áp lực học tập đè nặng khiến đứa trẻ không còn nụ cười vô tư nữa.
Từ sau hôm đó, vợ chồng anh Lưu quyết định thay đổi phương pháp giáo dục với con. Thay vì bắt con lao vào học quá mức, cả hai sắp xếp thời gian biểu cho con chơi đùa, xem TV mỗi ngày. Đứa trẻ cũng không còn bộ dạng mệt mỏi như trước mà dần tươi cười hơn.
Thật ra, không chỉ có anh Lưu mà rất nhiều bậc cha mẹ khác đều đang rơi vào tình trạng này. Vì mong muốn con không thua ở vạch xuất phát, muốn con có tương lai tốt hơn nên ngay từ khi con còn nhỏ đã tạo ra áp lực học tập quá mức.
Ngoài việc học ở trường, trẻ còn phải đi học thêm, rồi tham gia cả các lớp năng khiếu như múa, hát, vẽ, nhảy,... Đến buổi tối về nhà, trẻ phải làm nốt bài tập đến tối muộn. Nhiều em vì vậy mà đi ngủ rất muộn, gây ảnh hưởng đến năng lượng ngày hôm sau. Cũng vì quá mệt mỏi nên trẻ luôn uể oải, mất tinh thần học tập. Khi trẻ học chưa tốt, cha mẹ lại tưởng là do mình chưa đôn thúc kỹ lưỡng và lại càng bắt trẻ học chăm hơn. Một vòng luẩn quẩn cứ thế lặp lại không hồi kết.
Cha mẹ thông minh sẽ không ép con học một cách điên cuồng. Thay vào đó, họ giúp con nuôi dưỡng niềm đam mê học tập. Chẳng hạn như đưa con đến thư viện, bảo tàng, cho con chơi các trò rèn luyện tư duy, đưa con đi khám phá đó đây,... Đồng thời họ biết được rằng, trẻ chỉ có thể học tốt khi có sức khỏe tinh thần lành mạnh. Để làm được điều đó, cha mẹ cần cân bằng giữa khoảng thời gian học tập và vui chơi của trẻ.
Khi nào cần học thì học, khi nào cần chơi thì chơi, cha mẹ sẽ không cướp quỹ thời gian của việc này để bù cho việc kia. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng khuyến khích con chơi các môn thể thao để giải phóng năng lượng.
Quan trọng không kém, cha mẹ thông minh sẽ luôn ở bên cạnh đồng hành, động viên, dành những lời khen khi con có sự nỗ lực trong học tập.