Thầy Cường khảo cổ

Là một nhà khoa học tên tuổi của ngành nhân chủng học, hơn nửa thế kỷ đam mê và sâu sát tới từng chi tiết công việc, PGS, TS Nguyễn Lân Cường không ngại nắng gió, rét mướt trằn mình giữa hang động hoặc hố khai quật để lượm tìm những dấu tích người xưa, nhằm phục dựng, bảo tồn những giá trị của quá khứ.

Được một nhà nghiên cứu di sản văn hóa giới thiệu thầy Cường mới tìm ra được dấu tích mộ táng của người Việt cổ ở Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), tôi liên hệ với PGS, TS Nguyễn Lân Cường. Qua điện thoại, giọng ông xởi lởi: “Hẹn em 6 giờ chiều đến nhà thầy nhé! Giờ đó thầy mới ở Vườn Chuối về!”.

Trước căn hộ tập thể cũ tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), không khó để tìm thấy căn nhà ông với chiếc biển nhỏ “Lân Cường, Kim Hoa” được treo ngay trước cánh cổng sắt đã hoen gỉ. Tôi bấm chuông, thầy Cường dáng người nhỏ nhắn với chiếc áo sơ mi trắng, bên túi ngực trái gắn chiếc huy hiệu hình khóa Sol, ra mở cổng. Đã ở tuổi 83 nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Khi tôi xin phép được gọi là “thầy”, ông nở nụ cười trìu mến.

 PGS, TS Nguyễn Lân Cường bên hố khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối. Ảnh do nhân vật cung cấp

PGS, TS Nguyễn Lân Cường bên hố khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối. Ảnh do nhân vật cung cấp

PGS, TS Nguyễn Lân Cường là người con thứ tư của cố GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. Ông vốn thích vẽ và nổi tiếng trong giới học sinh Hà thành khi từng là “thủ lĩnh” của dàn hợp xướng Trường phổ thông 3A Lý Thường Kiệt (nay là Trường THPT Việt Đức), sớm có những sáng tác đoạt giải các cuộc thi trong giới học sinh, sinh viên. Yêu nghệ thuật, song một lần nghe cha định hướng “nhà đã có một người làm nghệ thuật (nhà soạn nhạc Nguyễn Lân Tuất-PV) thì con nên đi làm khoa học”, Nguyễn Lân Cường thi vào Khoa Sinh vật của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Từ đó ông gắn bó cuộc đời mình với khoa học, có những công trình nghiên cứu quan trọng về chuyên ngành cổ nhân học của Việt Nam, như: “Đặc điểm nhân chủng cư dân văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam”, “Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư”, “Cổ nhân học và môi trường cổ ở Việt Nam”... Với những đóng góp quan trọng của PGS, TS Nguyễn Lân Cường trong lĩnh vực khảo cổ học tại Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng ông Bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam (1093 cá thể)” năm 2022.

Chia sẻ với tôi về chuyện khai quật Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thầy Cường nói đang dần lật mở những bí ẩn, có thể xem đây là dấu tích của một trung tâm quần cư, trung tâm văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Từ những dấu tích mới khai quật cho thấy Vườn Chuối là làng Việt cổ đã tồn tại, trải dài liên tiếp cách ngày nay 2.000-3.500 năm và phát triển rất trù phú với nhiều ngành nghề.

Cư dân ở đây đã nắm chắc và phát huy đến trình độ rất cao những nghề thủ công chế tác, như: Đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng; xe sợi, đan lát; nghề trồng lúa nước, nghề chài lưới đánh bắt cá... góp phần củng cố nền văn minh có nguồn gốc bản địa và sự phát triển tự thân bằng nội lực của dân tộc. “Cụm di tích như thế này là rất hiếm. Hà Nội nên và cần phải giữ lại khu di chỉ khảo cổ này. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa, nếu để mất đi thì không thể tái tạo được”, PGS, TS Nguyễn Lân Cường cho hay.

Cùng với những công trình nghiên cứu quan trọng về ngành cổ nhân học, khảo cổ học, với tố chất và niềm đam mê nghệ thuật, PGS, TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường còn có gần 100 tác phẩm âm nhạc, trong đó có cả hợp xướng, ca khúc, nổi bật như: “Vị tướng của lòng dân”, “Về đi em”, “Bài ca về những người lính đảo”... Với ông, sau những bụi bặm, nhọc nhằn đường xa gắn với các chuyến đi nghiên cứu về di cốt người cổ, trở về Hà Nội, khoác áo đuôi tôm, cầm chiếc đũa và lên sân khấu phiêu diêu cùng những bản hợp xướng, bài ca, thỏa đam mê là khoảnh khắc ông được là chính mình

VÂN HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/thay-cuong-khao-co-797471