Thay đổi tư duy trong xây dựng nông thôn mới

Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, phân công rõ trách nhiệm, nội dung thực hiện cụ thể, thiết thực, rõ phần việc với phương châm 'dễ làm trước, khó làm sau; ít tiền làm trước, nhiều tiền làm sau, nơi nào Nhân dân đồng thuận làm trước, không đồng thuận làm sau' là tư duy mới trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025.

Vừa qua, tỉnh đã ban hành các bộ tiêu chí về “xã nông thôn mới”, “xã nông thôn mới nâng cao”, “thôn nông thôn mới” và “thôn kiểu mẫu” giai đoạn 2022 - 2025 với các chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp xu hướng phát triển. Tỉnh cũng ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Toàn tỉnh có 94/127 xã duy trì và đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó trên 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân các xã đạt chuẩn 18,1 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Mô hình trồng măng sặt giúp người dân xã Nậm Xé (Văn Bàn) nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng măng sặt giúp người dân xã Nậm Xé (Văn Bàn) nâng cao thu nhập.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn này, ngoài những mục tiêu cụ thể, tư duy xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển hài hòa, bền vững. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh dự kiến hơn 9.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 499 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 789 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 146 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn lồng ghép dự kiến hơn 7.927 tỷ đồng gồm Chương trình dân tộc miền núi (5.475 tỷ đồng), Chương trình giảm nghèo bền vững (2.136 tỷ đồng) và vốn ODA (315 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu huy động nguồn lực xã hội hóa trên 500 tỷ đồng (các tổ chức xã hội, chính trị, doanh nghiệp 134 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 400 tỷ đồng).

Cơ cấu huy động và phân bổ nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Tỷ lệ vốn Nhà nước, tỉnh đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới giảm mạnh (giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương và tỉnh đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai). Trong khi đó, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình khác tăng mạnh (giai đoạn 2016 - 2020 hơn 4.000 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho rằng, việc thay đổi cơ cấu vốn đầu tư cho thấy tư duy mới trong xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh, bởi xây dựng nông thôn mới là chương trình bao trùm với mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, kéo gần khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị. Giai đoạn tới, nguồn vốn huy động từ các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và người dân tăng nhằm phát huy nội lực, sự năng động của các địa phương trong thực hiện chương trình. Do vậy, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được thực hiện nhất quán trên tinh thần quyết tâm cao nhất, làm thực chất. Trong đó, làm thực chất là một trong những quan điểm mới của giai đoạn này. Như vậy, xây dựng nông thôn mới sẽ không có sự “châm trước” đối với các tiêu chí để công nhận đạt chuẩn.

Phát huy tinh thần “trên thì kịp thời, dưới thì chủ động” không chờ đợi nguồn vốn, kế hoạch cụ thể từ cấp trên rồi mới triển khai, các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt triển khai các phần việc, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, phần việc do người dân thực hiện như làm đường giao thông, đường liên gia, ngõ xóm, chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập… đã và đang được triển khai hiệu quả. Đến nay, 127/127 xã đã triển khai xây dựng theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025. Tỉnh đã công nhận 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới.

Lào Cai xác định xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và bền bỉ, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và đồng thuận cao của người dân. “Với thay đổi trong tư duy xây dựng nông thôn mới, tỉnh sẽ tổ chức triển khai các chương trình hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra”, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360982-thay-doi-tu-duy-trong-xay-dung-nong-thon-moi